Bến xe miền Đông mới có diện tích hơn 16 ha, nằm tại phường Long Bình, Quận 9 (Tp. Hồ Chí Minh) và một phần thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), do Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Samco) làm chủ đầu tư. Bến xe có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đại diện Tổng Công ty Samco cho biết, giai đoạn 1 Bến xe miền Đông mới có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, bao gồm xây dựng nhà ga và hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên, đã hoàn thành từ tháng 6 - 7/2019. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiệm thu công trình và đơn vị đang chờ biên bản nghiệm thu chính thức để triển khai các nội dung liên quan.
Dù đã cơ bản hoàn thành công trình, nhưng hạ tầng kết nối với Bến xe miền Đông mới thiếu đồng bộ, khiến bến xe chưa thể đưa vào khai thác. Các công trình kết nối với Quốc lộ 1 chưa đáp ứng nhu cầu; đường Số 13 nằm bên bến xe xuống cấp; đường Hoàng Hữu Nam kết nối từ bến xe ra trục đường D400 cũng chưa được mở rộng; các công trình như cầu vượt, hầm chui đi vào bến xe chưa có...
Trong khi đó, khu vực bên trong bến xe cũng chưa có các dịch vụ tiện ích. Theo đại diện Tổng Công ty Samco, cái khó hiện nay là hợp đồng thuê đất chưa hoàn tất nên ảnh hưởng đến các nội dung khác. Để cung cấp các dịch vụ tiện ích như ăn uống, mua sắm, thương mại... thì phải tổ chức đấu thầu; trong đó cần có hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối giao thông cũng gặp khó khăn, bởi những công trình hỗ trợ kết nối vẫn đang nằm “trên giấy” (như cầu quay đầu ở bến xe, cầu vượt, hầm chui...).
Trước thực trạng trên, ngày 30/8 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã họp với các đơn vị để tìm phương án giải quyết các vướng mắc, sớm đưa bến xe mới vào khai thác. Đối với các tuyến đường xung quanh bến xe, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị thực hiện tách làn đường dành cho ô-tô, xe hai bánh lưu thông trên đường D400; thực hiện ngay thảm bê-tông nhựa mặt đường D400 để đảm bảo cho việc lưu thông của các loại xe được thuận lợi, an toàn.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, phải thường xuyên thực hiện duy tu, sửa chữa đường Hoàng Hữu Nam, bởi đây là hướng chính lưu thông của các phương tiện. Cùng với đó, UBND Quận 9 cần sớm giải quyết tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Hoàng Hữu Nam, đường Số 13 và đường D400 để đảm bảo lưu thông khu vực này.
Đối với các công trình kết nối với Bến xe miền Đông mới, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đề nghị, Tổng Công ty Samco nghiên cứu xây dựng trước đường nội bộ kết nối từ nhà ga bến xe ra đường Số 13; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố khẩn trương hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường Võ Chí Công đoạn từ D2 đến đường Liên Phường; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hầm chui, cầu vượt, cầu bộ hành... trên Quốc lộ 1 tại khu vực bến xe mới, nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận bến xe của hành khách.
Ông Lê Hải Phong, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, hiện địa phương đã tiến hành duy tu tuyến đường Số 13, đường Hoàng Hữu Nam và đang thực hiện sơn đường để hoàn thành sửa chữa, nâng cấp. Việc lắp đặt các công trình phục vụ phương tiện giao thông công cộng và xe buýt dọc các tuyến kết nối với Bến xe miền Đông mới cũng được triển khai. Nếu được bàn giao mặt bằng đường Số 13 sớm, thì trước 10/9 sẽ hoàn thành tất cả các nhà chờ xe buýt để kết nối giao thông công cộng thuận lợi.
Về vận hành Bến xe miền Đông mới, Tổng Công ty Samco đã xin chủ trương của UBND Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn đối tác khai thác dịch vụ và khai thác bến xe. Công ty được UBND thành phố cho phép chủ động xây dựng quy chế lựa chọn; trong đó đề xuất đơn vị quản lý Bến xe miền Đông hiện hữu sẽ khai thác Bến xe miền Đông mới.
Nhà ga Bến xe miền Đông mới được xây dựng với kết cấu gồm hai tầng hầm và bốn tầng nổi. Bến xe khi hoàn thành sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến; ngày cao điểm lễ/tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.