Thị trường vàng thế giới tuần qua đã biến động cùng chiều đi xuống với các thị trường hàng hóa và tài chính khác. Cũng trong tuần qua, lần đầu tiên trong hơn một năm trở lại đây, kim loại quý có đợt 3 tuần liên tiếp đi xuống, đưa giá vàng từ các mức đỉnh cao (đỉnh điểm là mức giá trên 1.920 USD/ounce được lập hồi tháng 9/2011) tụt xuống gần sát mức 1.700 USD/ounce.
Ngay đầu phiên giao dịch tuần mới 22/10, giá vàng trên các thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu của Mỹ trượt xuống (khiến nhà đầu tư bán vàng để bù đắp thua lỗ, đồng thời chuyển hướng sang đồng USD khi coi đây là nơi trú ẩn an toàn hơn).
Hình minh họa. Nguồn: Internet.
|
Tuy nhiên, việc vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng lại làm mặt hàng này trở nên hấp dẫn hơn, qua đó thúc đẩy trở lại hoạt động mua vào, giúp vàng vào cuối phiên phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, giá vàng còn được hỗ trợ do hoạt động mua vào của các nhà kim hoàn châu Á vào thời điểm mà Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu châu Á, đang vào mùa cưới và chuẩn bị đón lễ hội Diwali và Dhanteras vào tháng tới.
Tuy nhiên, sang phiên 23/10, giá vàng lại quay đầu thoái lui, khi nhà đầu tư thận trọng đứng ngoài thị trường chờ kết quả cuộc họp hai ngày (bắt đầu từ ngày 23/10) bàn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED để sau đó mới đưa ra quyết định mua bán vàng. Giá vàng giảm khá mạnh tại Mỹ trong phiên này do báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các doanh nghiệp Mỹ.
Vàng thế giới giữ ở sát mức thấp nhất trong 7 tuần qua trong phiên 24/10 khi nỗi lo kinh tế toàn cầu lại trỗi dậy. Đầu tháng 10/2012, số liệu chế tạo tích cực của Trung Quốc đã đẩy giá vàng lên, song sau đó vàng quay đầu giảm giá và hướng tới tháng 10 giá vàng còn thấp hơn cả tháng 9 - tháng giảm đầu tiên trong vòng 5 tháng qua, sau khi không vượt được ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce.
Sang phiên 25/10, giá vàng đã tăng theo "sắc xanh" trên các sàn chứng khoán mặc dù vẫn quẩn quanh mức thấp nhất trong 7 tuần, sau khi FED khẳng định lại cam kết theo đuổi các biện pháp kích thích kinh tế, duy trì mức lãi suất gần 0% tới giữa năm 2015 và hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho tới khi đà phục hồi được củng cố.
Giá vàng tăng lên còn nhờ thống kê khả quan về sức tăng GDP của Anh và những đồn đoán về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/10, giá vàng lại quay đầu giảm trên thị trường châu Á, khi tụt xuống còn 1.702,96 USD/ounce vào cuối phiên, giảm 8,23 USD so với phiên trước. Theo các nhà phân tích, đồng USD mạnh lên đã kéo giá vàng giảm. Thêm vào đó, hoạt động bán tháo được đẩy lên sau khi giá vàng không thể phá được ngưỡng kháng cự 1.725 USD/ounce.
Song, trên thị trường châu Âu và Mỹ cùng ngày, giá vàng lại bật tăng nhẹ trở lại sau khi Bộ Thương mại Mỹ vào cuối ngày công bố tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý III đạt 2,0%, cao hơn mức 1,3% của quý II, và cao hơn mức dự kiến 1,9% trước đó của giới phân tích. Trước khi báo cáo này được công bố, giá vàng cũng theo chiều đi xuống như trên thị trường châu Á trước đó.
Đóng cửa phiên 26/10, giá vàng giao ngay tại Niu Yoóc tăng nhẹ 0,02% lên 1.712,23 USD/ounce, và tính chung cả tuần, vàng mất thêm 0,5% giá trị - đánh dấu tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp trong hơn một năm qua. Vàng kỳ hạn tháng 12/2012 cũng giảm 0,06% xuống 1.711,9 USD/ounce.