Thị trường đồ uống ngày Tết hút hàng

Càng gần Tết, sức mua trên thị trường bia, rượu, nước giải khát lại càng sôi động, khiến giá mặt hàng này cũng tăng theo.

Bia, rượu ngoại loạn giá

Tại các đại lý giải khát lớn ở các chợ và các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm bán lẻ tại TP.HCM, Hà Nội, giá các loại đồ uống đã bắt đầu tăng. Mặc dù, mức tăng chưa đến mạnh nhưng đã xuất hiện hiện tượng loạn giá.

Cụ thể, bia 333 tại các đại lý, cửa hàng nhỏ bán từ 195.000 - 210.000 đồng/thùng, Heineken 375.000 đồng/thùng. Tại các siêu thị thuộc hệ thống BigC, bia Carbegger 360.000 đồng/thùng, Zoroc 175.000, Tiger 262.000 đồng/thùng, Heineken 369.800 đồng/thùng... chênh lệch từ 5.000 - 20.000 đồng/thùng. Thế nhưng, theo các đại lý, tốc độ tiêu thụ hàng nội không bằng những năm trước và những thức uống có gắn mác ngoại đang lấn át thị trường, cũng là những loại có biến động giá mạnh nhất.

Ghi nhận tại “phố” rượu bia Nguyễn Thông, quận 3 (TP.HCM) cho thấy, các loại bia nội năm nay sức mua kém hơn so với bia ngoại, đặc biệt với Heineken. Chị Thảo, một nhân viên bán bia tại khu vực này, cho biết: “Với bia nội thì khách hàng ưu ái bia 333, Zorok, Sài Gòn, còn bia Heineken nội thì bán rất chậm”. Trong khi đó, các loại bia nhập khẩu được nhiều nhà phân phối thay đổi giá từng ngày, nhất là Heineken nhập từ Pháp, Hà Lan. Ngày 8/1, giá Heineken nhập khẩu từ Pháp được một số đại lý đường Quang Trung (quận Gò Vấp) báo 470.000 đồng/thùng 24 chai và 435.000 đồng/thùng 20 chai. Nhưng đến ngày 10/1, giá các loại thức uống này đã được cộng thêm 30.000 - 35.000 đồng/thùng, giá bán lẻ tại một số cửa hàng đến ngày 12/1 đã là 500.000 đồng/thùng 24 chai Heineken Pháp, khoảng 475.000 đồng/thùng 20 chai Heineken Pháp. Còn Heneiken nhập khẩu Hà Lan từ 580.000 đồng đầu tuần nay tăng lên 620.000 đồng/thùng.

Theo lý giải của anh Hà Võ, nhân viên một đại lý chuyên phân phối bia nhập khẩu ở Thủ Đức, việc khách hàng đang chuộng loại Heineken nhập từ Hà Lan, Pháp mà bỏ rơi Heineken nội là vì ngại Heineken giả nhập lậu từ Trung Quốc, cũng vì vậy mà giá liên tục tăng, dự báo trong Tết, mặt hàng này tiếp tục được đẩy giá. Chị Nguyễn Thị Diệu, một đầu mối nhập khẩu rượu ngoại tại Phú Nhuận, cho biết, dịp Tết này chị nhập khoảng 40 loại rượu từ các nước khác nhau. Nhưng “hàng” đang được chuộng là loại có giá khoảng 2,5 triệu/cặp dùng làm quà biếu.

Nước giải khát nội hút hàng

Trái ngược với thị trường bia, rượu, nước giải khát nội lại được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện các dòng sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên như trà xanh không độ, Dr.Thanh, Number 1 và nước uống có gas mát lạnh như Pepsi, Coca - Cola đang chiếm lĩnh thị trường. Khảo sát cho thấy, giá các sản phẩm nước uống giải khát này được bán ra tại các siêu thị và các đại lý phân phối nhỏ lẻ khác đã đồng loạt tăng thêm 5.000 đồng/thùng. Và hầu như tất cả các đại lý đều nhận định, giá cả đồ uống đều tăng khoảng 10% so với cuối năm 2011. Riêng dòng sản phẩm Number 1 vẫn giữ nguyên giá bán. Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, sở dĩ sản phẩm Number 1 không tăng giá để người tiêu dùng có thể chi tiêu hợp lý trong việc mua sắm. Ngoài ra, nước giải khát nội chiếm ưu thế cũng nhờ những chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm, như “Vui xuân, xé nhãn, trúng vàng” của Number 1; “Hái lộc giờ vàng”, “Thiết kế thiệp Tết” của Pepsi...

Theo Hiệp hội Bia, Rượu - Nước giải khát Việt Nam, mặc dù mức tiêu thụ nước giải khát có cồn tăng mạnh, từ 17 - 19%/năm, nhưng nếu nhìn về tiềm năng thì nước giải khát không cồn lại là “miếng bánh” béo bở. Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển nước uống có cồn sang loại nước uống không cồn, cụ thể hơn là nước uống không gas, nhằm giữ gìn sức khỏe, lại bảo vệ môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp nào chú trọng sản xuất và xây dựng thương hiệu các loại nước uống thảo mộc, chiết xuất từ thiên nhiên sẽ có cơ hội chiếm lĩnh trên thị trường nước giải khát.

Hà Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN