Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, hoạt động xây dựng sôi động hơn nên ngành thép và xi măng đã được hưởng lợi trực tiếp. Mặc dù xuất khẩu hai loại vật liệu này chưa hết khó khăn nhưng tiêu thụ nội địa đã có nhiều khởi sắc.
Tiêu thụ tăng mạnh nhờ bất động sản ấm lên
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, 7 tháng năm 2015, ngành xi măng đã tiêu thụ được xấp xỉ 40 triệu tấn, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 57% kế hoạch năm 2015. Tính cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng gần 7%. Điều đáng mừng là mặc dù xuất khẩu xi măng gặp nhiều khó khăn (nhất là thị trường Bangladesh) nhưng tiêu thụ nội địa đã tăng do thị trường bất động sản (BĐS) trong nước ấm lên, các dự án hạ tầng, xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực.
Tiêu thụ xi măng tăng mạnh nhờ thị trường BĐS phục hồi. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN |
Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, riêng tháng 7, sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 6,5 triệu tấn, tăng 8% so với tháng 6. Trong đó, lượng xi măng tiêu thụ trong nước ước đạt 5,15 triệu tấn, bằng 109% so tháng 6/2015 và bằng 122% so tháng 7/2014.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa tăng do Nhà nước đã bố trí vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy điện, nhà ở xã hội… nên nhu cầu tiêu thụ xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng tăng. Mặc dù giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào sản xuất xi măng tăng nhưng giá bán xi măng nhìn chung khá ổn định. Trong các mặt hàng vật liệu xây dựng, xi măng hiện vẫn là mặt hàng có giá ổn định nhất trong nhiều năm gần đây.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2015, tiêu thụ nội địa dự báo tăng 5 triệu tấn và khả năng đạt kế hoạch đề ra trong năm.
Tương tự xi măng, ngành thép cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Đến cuối tháng 7/2015, đã có gần 3,57 triệu tấn thép xây dựng được tiêu thụ, tăng đến 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), do giá thép phế liệu và phôi thép thế giới vẫn đang tiếp tục trên đà suy giảm nên giá thép trong nước cũng được điều chỉnh giảm theo. Do vậy, các doanh nghiệp (DN) xây dựng trong nước sẽ được hưởng lợi. Mặt khác, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai về thu hút vốn FDI (chiếm 19,3%), tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD tính đến tháng 7/2015. Đây là trợ lực giúp sản lượng thép tiêu thụ tăng cao.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan, song trước mắt, nguy cơ ngành thép, xi măng Việt Nam cạnh tranh với hàng từ các nước là rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hạ mức thuế suất nhập khẩu về 0%. Do đó, nâng cao năng lực cho DN là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Với ngành xi măng, hiện thế giới có đến 104 nước xuất khẩu xi măng. Nguồn cung xi măng từ các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… tăng mạnh khiến cạnh tranh xuất khẩu xi măng diễn ra ngày càng gay gắt. Đứng trước thách thức này, theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Văn Tới, các DN xi măng Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả quản trị DN.
“Với những DN xuất khẩu, cần phát huy kinh nghiệm 4 năm xuất khẩu vừa qua để tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, duy trì thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới”, ông Tới cho hay.
Để đưa ngành xi măng phát triển bền vững, theo ông Lê Văn Tới, cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất như tăng cường sử dụng tro sỉ, thạch cao; tận dụng nhiệt thừa để phát điện, tận dụng rác thải công nghiệp, sinh hoạt làm nhiên liệu cho sản xuất cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khói bụi.
Tương tự, đối với ngành thép, các chuyên gia đang cảnh báo nguy cơ thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam sau khi nước này phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này sẽ khiến thép trong nước gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều FTA đã và đang được ký kết, trong đó có FTA ASEAN - Trung Quốc, sẽ “mở cửa” cho thép các nước vào Việt Nam, đòi hỏi các DN thép phải thực sự nỗ lực nếu không muốn bị chiếm mất thị trường.
Đồng thời, khi thép Việt Nam xâm nhập các thị trường mới theo các FTA, chắc chắn các nước sẽ có nhiều hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước. Thực tế gần đây, các sản phẩm thép Việt Nam đã vướng phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra sản phẩm của DN, dẫn đến nguy cơ mất thị trường như: Điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam tại Australia, Bộ Thương mại Indonesia chuyển hướng đột ngột từ nâng cấp hàng rào phòng vệ thương mại sang kiện chống bán phá giá các mặt hàng thép lá mạ, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm nhập khẩu từ Việt Nam…
Do đó, các DN Việt Nam rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng. Tất nhiên, yếu tố quyết định cho DN vượt qua khó khăn về lâu dài vẫn phải là chất lượng sản phẩm. Mặt khác, theo các chuyên gia, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cũng cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp.