Thêm phương án tạm trữ lúa gạo

Chương trình thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) do Chính phủ đề ra đã hoàn tất, điều này đồng nghĩa với giải quyết được 1/5 sản lượng lúa thu hoạch trong vụ Đông Xuân, giúp người dân xoay vòng vốn cho tái sản xuất và thu lợi nhuận đảm bảo cuộc sống.


Tuy nhiên, 4/5 sản lượng lúa còn lại (hơn 8 triệu tấn lúa) người dân sẽ xoay xở ra sao, khi vụ Xuân Hè sắp đến, mà lúa vẫn còn nhiều, không lưu thông được. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm phương án dự trữ lúa để lượng lúa được lưu thông tốt hơn.


Trữ lúa tại nhà có an toàn?


Đi dọc con đường Dương Văn Vương, nối liền huyện Tân Thạnh, Long An với huyện Cai Lậy, Tiền Giang, rất nhiều nhà nông dân phải trữ lúa tại nhà, và không có biện pháp kỹ thuật bảo quản lúa an toàn. Anh Nguyễn Văn Đẩu, ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2012-2013 anh gieo cấy giống IR50404 trên diện tích 12 ha, năng suất đạt 8 tấn lúa tươi/ha. Tuy nhiên, hầu hết các cò lúa đều đến hỏi mua với giá quá thấp, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg lúa khô nên anh Đẩu không bán mà chờ giá cao.

Mua lúa, gạo tạm trữ tại Xí nghiệp Chợ Trung tâm nông sản Thanh Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Đó là trường hợp hộ nông dân có vốn để dành, có vốn xoay vòng cho vụ sau. Còn những hộ ít vốn như ông Thái Văn Đạt, ấp Gò Noi, xã Nhơn Hòa, gia đình ông trồng 6 ha lúa Đông Xuân, cho thu hoạch gần 55 tấn lúa tươi (50 tấn lúa khô). Hiện nay ông Đạt cũng trữ lúa tại nhà như bao nông dân khác, nhưng nỗi lo cứ canh cánh trong lòng, đó là khi vụ lúa mới sắp đến mà lúa cũ chưa bán được.


Vấn đề này, ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An chia sẻ, trong vụ Đông Xuân 2012 - 2013, tỉnh Long An xuống giống 220.000 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn lúa. Trong khi đó, tỉnh Long An chỉ được giao chỉ tiêu dự trữ là 88.000 tấn gạo (tương đương với 150.000 tấn lúa), chiếm 1/10 sản lượng của tỉnh. Như vậy, lượng lúa còn lại này, nông dân sẽ lưu thông ra sao.


Tương tự, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp cũng không ngoại lệ với cảnh không thể bán lúa, đành phải trữ tại nhà. Chị Nguyễn Thị Cưng, huyện Tháp Mười chia sẻ, nhà chị cấy 1 ha lúa Đông Xuân, những năm trước còn bán lúa tại ruộng, nhưng năm nay giá lúa không cao, chị phải phơi khô rồi trữ tại nhà chờ giá cao. Thế nhưng từ khi thu hoạch đến nay, giá không cải thiện nhiều, mà chờ người đến mua cũng chưa có. Nếu kéo dài, lúa sẽ giảm chất lượng, mà gia đình cũng đang cần vốn để xoay xở cho vụ hè thu.


Anh Trần Văn Thái, nông dân tại huyện Cao Lãnh cũng bức xúc, năm nay chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả công gặt lúa đều tăng cao, nhưng giá lúa cứ cầm chừng, không bán được. Mỗi công chỉ lãi khoảng vài trăm ngàn, thậm chí có nhiều người phải chịu lỗ vì không có nơi trữ, phải bán giá thấp. Thế nhưng, hàng ngày không thấy doanh nghiệp đến mua lúa, chúng tôi chỉ có thể bán cho thương lái.


Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong vụ Đông Xuân 2012 - 2013, toàn tỉnh chỉ được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ 58.000 tấn lúa, ít hơn vụ Đông Xuân 2011 - 2012 là 25.000 tấn, trong khi tỉnh Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về cây lúa, như vậy chỉ tiêu này chưa tương xứng với sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh. Số lúa còn lại trong dân chưa lưu thông được đã gây thiệt thòi cho nông dân.


Hướng tới mô hình cánh đồng mẫu lớn


Trên thực tế, chương trình thu mua tạm trữ gạo đúng đắn và hợp lòng dân nhưng trong những năm qua việc thực hiện chương trình này vẫn còn một số hạn chế, làm cho nông dân chưa hưởng lợi được, vì nguyên nhân cơ bản là Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra thời gian thu mua còn chậm so với tiến độ thu hoạch lúa của nông dân. Ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: Có thể thấy chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ đạt hiệu quả nhưng còn thấp ở chỗ khi nông dân thu hoạch thì không có người thu mua lúa, và khi có người thu mua thì ngoài đồng lúa thu hoạch gần xong.

Nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An) chuyển thóc mới thu hoạch đi phơi. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Bên cạnh đó, quyết định mua gạo dự trữ là chưa hợp lý, vì gây ra tình trạng một số doanh nghiệp thu mua gạo của doanh nghiệp nhỏ đưa về doanh nghiệp lớn, nói cách khác là chuyển gạo từ kho nhỏ đưa về kho lớn, trong khi đó lúa thu hoạch xong lại bán chậm với giá thấp. Có thể thấy rằng, khi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 0% vốn vay để thu mua tạm trữ, nhưng vì quy định chưa chặt chẽ đã làm cho người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp, còn nông dân oằn lưng làm ra hạt thóc, hạt gạo lại hưởng lợi không bao nhiêu, thậm chí gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ vì giá thấp.


Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đưa ra đề nghị có thêm nhiều hình thức tạm trữ lúa gạo khác hơn so với một hình thức hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu mua trực tiếp. Cụ thể là để cho các doanh nghiệp có mô hình cánh đồng mẫu lớn thực hiện thu mua tạm trữ, còn chương trình hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nào thực hiện mô hình này. Nếu thực hiện được như vậy, thì mục tiêu hỗ trợ để người nông dân có lợi sẽ khả thi và hiệu quả hơn.


Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc mua tạm trữ chỉ là giải pháp ngắn hạn, giải quyết ban đầu lượng sản xuất lúa Đông Xuân của khu vực, nhưng chỉ tạm trữ một triệu tấn gạo, tương đương hai triệu tấn lúa, thì số lúa còn lại vẫn chưa được giải quyết an toàn và triệt để. Chính vì vậy cần một giải pháp lâu dài là cần có sự gắn kết hài hòa giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và chính quyền địa phương.


Ngoài đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An còn đề nghị chính sách hỗ trợ cho những tổ hợp tác, hợp tác xã có những điều kiện thu mua dự trữ lúa gạo, những đơn vị này sẽ nắm rõ tình hình sản xuất của nông dân hơn. Vì thế, khi được hỗ trợ nguồn vốn, các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tiến hành thu mua lúa của nông dân ngay thời điểm bắt đầu thu hoạch, vừa đảm bảo chất lượng hạt lúa, vừa giúp nông dân thu lãi 30% từ sản xuất lúa theo chủ trương của Chính phủ.


Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, Nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay. Khi tham gia xuất khẩu gạo thì từng doanh nghiệp đã phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình, và cần có trách nhiệm với nông dân, nói cách khác, là có trách nhiệm với chính sản phẩm mà mình đầu tư. Vì thế, nếu kéo dài việc hỗ trợ tạm trữ làm cho một số doanh nghiệp ỷ lại, đến hẹn lại lên, trông chờ vào Nhà nước khi cần nguyên liệu xuất khẩu.


Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn. Đã đến lúc tạm trữ là việc làm tất yếu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đầu tư vùng nguyên liệu, không đầu tư hệ thống sấy lúa thì dù có hợp đồng xuất khẩu cũng khó đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng của hạt gạo.


Hồng Nhung

Lo đầu ra vụ đông xuân - Hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo
Lo đầu ra vụ đông xuân - Hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo

Những ngày này, khi nhà nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt tay vào thu hoạch đại trà lúa đông xuân, thì nỗi lo đầu ra lại trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN