Lo đầu ra vụ đông xuân - Hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo

Những ngày này, khi nhà nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt tay vào thu hoạch đại trà lúa đông xuân, thì nỗi lo đầu ra lại trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, các ngành chức năng lại phải tích cực vào cuộc để điều hành công tác thu mua, tiêu thụ lúa cho bà con nông dân.

 

Chính phủ cho mua tạm trữ đang làm giá thu mua tăng lên nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng của nhà nông.

 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 20/2, các doanh nghiệp triển khai thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2012 - 2013. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ vụ đông xuân, tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa với giá thu mua không dưới 5.000 đồng/kg lúa. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có trách nhiệm tổ chức bố trí cho doanh nghiệp có kho chứa thu mua lúa, gạo theo đúng tiêu chuẩn; phương thức thu mua phải theo cơ chế thị trường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để thu mua, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ và thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng.


“Sản lượng lúa toàn vùng vụ đông xuân năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn, trong đó lúa hàng hóa cần tiêu thụ từ 6 - 7 triệu tấn. Chỉ tiêu chúng tôi đảm trách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa, chiếm khoảng 30% lượng lúa hàng hóa trong vùng. Đây là giải pháp hữu hiệu và kịp thời của Chính phủ trong việc giúp nhà nông giải tỏa được bức xúc trong việc tiêu thục lúa. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị xong hồ sơ, tiếp cận vốn ngân hàng sẵn sàng bắt tay vào việc thu mua lúa trong dân”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho hay.


Ngay sau khi có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân, VFA đã nhanh chóng tiến hành phân bổ chỉ tiêu cho 120 đầu mối thu mua. Đến nay, văn bản phân bổ đã được gửi đến tất cả các đầu mối kèm theo danh sách những ngân hàng được chỉ định giải ngân vốn để doanh nghiệp chủ động làm hồ sơ vay. Là đơn vị chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kết hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành, VFA xây dựng quy chế giám sát, kiểm tra việc mua lúa, gạo tạm trữ theo đúng quy định, đảm bảo người nông dân có lãi. Riêng Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định và bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện việc hỗ trợ lãi suất.


Tại Hậu Giang, tỉnh đã giao Công ty cổ phần Lương thực chủ động chuẩn bị kho bãi, phương tiện vận chuyển, liên hệ, xác định địa chỉ để thu mua. Với chỉ tiêu mua 15.000 tấn, tỉnh sẽ ưu tiên thu mua lúa tại các cánh đồng mẫu lớn như biện pháp khuyến khích nhà nông canh tác theo hướng hiện đại. Riêng Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) - vừa được phân bổ kế hoạch tạm trữ 8.000 tấn gạo, cho hay doanh nghiệp sẽ ưu tiên thu mua lúa trong khu vực nông trường đơn vị và sau đó sẽ thu mua thêm lúa bên ngoài.


Khảo sát của phóng viên, ngay sau khi có quyết định thu mua tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ, giá thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã nhích lên tăng thêm từ 100 - 200 đồng/kg. Hiện giá lúa tươi IR 50404 bán tại ruộng 4.300 - 4.400 đồng/kg, lúa dài chất lượng cao khô dao động từ 5.400 - 5.600 đồng/kg... Tuy nhiên, với mức mua này, người nông dân vẫn chưa đảm bảo lợi nhuận như mong đợi. Tính toán của nhà nông, năm nay giá thành sản xuất lúa lên đến 4.200 đồng/kg và vì thế để nhà nông có lãi 30%, giá lúa phải được thu mua phải ở mức trên 5.500 đồng/kg. Khi giá lúa đã nhích lên, công tác thu hoạch của người dân cũng đang được khẩn trương hơn, thương lái cũng đã bắt đầu thu mua một cách tích cực.


“Dự báo, tháng 2/2013, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 400.000 tấn, tháng 3 khoảng 600.000 tấn. Tính luôn cả năm 2013, lượng gạo xuất khẩu sẽ đạt khoảng 7,5 - 7,6 triệu tấn. Để đạt con số xuất khẩu đề ra, ngay từ lúc này các doanh nghiệp phải khẩn trương thu mua đảm bảo số lượng dự trữ. Vì thế, chúng tôi tin trong các ngày tới, hoạt động thu mua lúa gạo tạm trữ sẽ sôi động, góp phần đẩy giá lúa lên cao”, ông Phong cho biết.


Lê Nghĩa

 

Bài cuối: Trăn trở về lợi nhuận cho người nông dân

Đầu ra vụ đông xuân: Nhà nông phập phồng thu hoạch lúa
Đầu ra vụ đông xuân: Nhà nông phập phồng thu hoạch lúa

Ngay sau Tết Nguyên đán 2013, bà con các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tất bật với việc thu hoạch lúa vụ đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN