Đầu ra vụ đông xuân: Nhà nông phập phồng thu hoạch lúa

Ngay sau Tết Nguyên đán 2013, bà con các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tất bật với việc thu hoạch lúa vụ đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Vào những ngày này, thông tin Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa vụ đông xuân đã làm cho giá lúa tăng lên. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa thì vẫn còn nhiều việc phải làm.


 

Nhà nông lo ngại giá lúa sụt giảm.

Bước sang tháng 2, những cánh đồng lúa mênh mông của vùng ĐBSCL đã chuyển sang màu vàng rực, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Hòa trong hương lúa chín, là những giọt mồ hôi của nhà nông mặn chát, trĩu nặng những lo toan vào mùa gặt.

 

Được mùa...


Vụ đông xuân năm nay, gia đình anh Hùng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang quyết định đầu tư vốn để mở rộng diện tích canh tác lúa lên hơn 3 ha. Phần lớn diện tích lúa nhà anh năm nay cho thu hoạch sớm. Đưa tay chỉ từng bao lúa căng đầy chất đống trong sân nhà, anh hào hứng: “Năm nay nhờ mưa thuận gió hòa nên lúa nhà mình trúng to, bình quân năng suất gần 7,5 tấn/ha. Ngoài tăng được năng suất, khâu thu hoạch được cơ giới hóa nên chất lượng hạt lúa cũng tăng đáng kể”.


Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 14.000 ha lúa, bằng gần 15% tổng diện tích xuống giống với năng suất đạt bình quân trên 7 tấn/ha. Nhiều huyện như Vị Thủy, Châu Thành A… do những ngày gần đây diễn biến thời tiết bất thường bà con đang tăng cường công tác thu hoạch. Còn tại tỉnh Kiên Giang, hiện bà con đã thu hoạch được khoảng 100.000 ha trong tổng số gần 300.000 ha lúa đông xuân, đạt năng suất từ 6 - 7 tấn/ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Riêng tỉnh Long An, theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh thu hoạch được hơn 30.000 tấn lúa, bằng gần 15% tổng diện tích vụ đông xuân với năng suất bình quân đạt 7 - 7,5 tấn/ha.


Theo Cục Trồng trọt, vụ đông năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Hiện diện tích thu hoạch đạt hơn 30% và cho năng suất trung bình từ 6,5 - 6,7 tấn/ha. Dự kiến đến hết tháng 2, diện tích thu hoạch vụ đông xuân sẽ đạt khoảng 50% và đến giữa tháng 4/2013, sẽ hoàn thành thu hoạch toàn bộ diện tích. “Với việc thu hoạch lúa đông xuân đang diễn ra khẩn trương, người dân đang rất cần những động thái tích cực từ phía ngành chức năng nhằm hỗ trợ về giá cả cũng như phương tiện máy móc để thu hoạch lúa đúng tiến độ. Điều đáng quan tâm, để giảm chi phí phơi sấy và do không có phương tiện vận chuyển nên đa số bà con các tỉnh ĐBSCL thường bán lúa tươi ngay tại ruộng. Hiện rất nhiều diện tích lúa đã chín, nhưng do chưa thỏa thuận được giá với thương lái nên nhà nông vẫn chưa dám thu hoạch”, ông Đức lo lắng.

 

Lại lo về giá


Đã 5 ngày trôi qua nhưng gia đình anh Tuấn ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) vẫn chưa tìm được “đối tác” thu mua lúa của gia đình mình. Nhìn cánh đồng lúa chín vàng, bông lúa ngã rạp lên nhau, anh đứng ngồi không yên. Không riêng gì anh Tuấn, hiện tại nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng khó khăn về thu hoạch lúa như: thiếu nhân công và máy gặt đập liên hợp… “Tiền thuê nhân công đã tăng lên khá cao, từ 500.000 - 600.000 đồng/nhân công nhưng “đỏ mắt” cũng không tìm ra. Trong khi đó, nguồn cung máy gặt đập cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sử dụng, nên khi thu hoạch lúa vào đợt cao điểm như hiện nay, rất khó thuê được máy thu hoạch lúa”, anh Tuấn than thở.


Là vụ chính trong năm, hầu hết nhà nông làm lúa đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL đều trông vào vụ này để giải quyết hàng loạt vấn đề cần chi tiêu. Vì vậy, như mọi năm, giá bán lúa luôn là vấn đề được bà con ưu tiên quan tâm hàng đầu. Tính đến thời điểm ngày 24/2, giá thu mua lúa đông xuân năm 2013 vẫn thấp hơn từ 400 - 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm 2012. Cụ thể, lúa tươi Jasmine 85 có giá từ 4.800 - 5.000 đồng/kg, giảm từ 300 - 500 đồng/kg so với đầu vụ; IR 50404 khô giá dao động 5.000 - 5.100 đồng/kg… Khảo sát của phóng viên, dù có những động thái tích cực từ ngành chức năng, nhưng giá lúa chưa tăng như kỳ vọng của nhà nông và thương lái vẫn “uể oải” trong công tác thu mua. Và như vậy, với tình hình tiêu thụ chậm và giá thấp như hiện nay, rất khó đảm bảo cho bà con có mức lời tối thiểu từ 20 - 30% như kỳ vọng.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

 

Bài 2: Hỗ trợ lãi suất để thu mua tạm trữ lúa gạo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN