Tháo gỡ các rào cản trong thực hiện Nghị quyết 128

Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128) đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc; là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới được nhiều người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau gần 20 ngày thực hiện, Nghị quyết đã cho thấy một số vướng mắc cần giải quyết nhanh chóng để phát huy hiệu quả cao hơn.

Phóng viên Báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp về nội dung này:

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội: Một số nơi vẫn còn áp dụng một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Hiện nay các doanh nghiệp tại Hà Nội lưu thông bình thường, không gặp khó khăn gì, tuy nhiên còn có một số địa phương lân cận áp dụng tương đối máy móc. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp thuộc Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội có trụ sở ở Hà Nội nhưng làm việc, nhà xưởng ở Hải Phòng, khi xuống nhà máy điều hành quản trị sản xuất kinh doanh thì gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Hiện Hải Phòng đã gỡ dần vấn đề này nhưng chúng tôi mong rằng Nghị quyết 128 sẽ là công cụ, giúp thông thoáng trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật  từ trung ương xuống địa phương được đồng nhất.

Chúng tôi mong muốn việc này có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc các cấp để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát việc các địa phương thực hiện chủ trương, chính sách  nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ như thế nào, để làm sao không gây khó khăn cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là về mặt lưu thông hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia: Ba vướng mắc lớn cần giải quyết 

Chúng tôi đã ngồi với khoảng 15 doanh nghiệp, hiệp hội khác nhau sơ kết việc thực hiện Nghị quyết sau hơn 10 ngày thì thấy cơ bản doanh nghiệp phấn khởi vì các bộ ngành địa phương vào cuộc chủ động và tích cực hơn so với trước đây, hiện tượng bế quan tỏa cảng hầu như không có hoặc còn thì tương đối ít.

Hiện nay doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới với công suất thực hiện 50 - 70%, người dân cơ bản phấn khởi, đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân vẫn kiến nghị 3 vướng mắc quan trọng. 

Thứ nhất, vẫn còn tình trạng các tỉnh thành áp dụng tương đối khác nhau về Nghị quyết này, đâu đó vẫn còn có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc chuỗi lao động vì thực tế có một số lao động muốn quay trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc nhưng qua tỉnh này, tỉnh kia thì lại có những yêu cầu khác nhau nên người lao động không quay trở về được doanh nghiệp ban đầu sản xuất kinh doanh, điều đó tiếp tục tạo ra sự tăng chi phí, thiếu lao động cho doanh nghiệp.

Thứ 2, người dân đi lại thuận lợi hơn nhưng đâu đó vẫn còn rào cản vì quy định xét nghiệm, giãn cách vẫn còn tương đối khác nhau. Chúng tôi cũng đã kiến nghị thời gian tới phải nhất quán thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Thứ 3, qua khảo sát nhanh, về vướng mắc lớn nhất hiện nay là gì thì nhiều doanh nghiệp đều cho rằng còn 4 thứ. Đó là thiếu lao động, vì đa số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử ở các tỉnh phía Nam, TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu lao động trầm trọng, mới có 30 - 50% quay trở lại làm việc trong khi đó đơn hàng không thiếu.

Cùng với đó, mô hình áp dụng tại các địa phương hiện nay vẫn khác nhau, có nơi yêu cầu 3 tại chỗ, có nơi yêu cầu 1 cung đường 2 điểm đến, có doanh nghiệp thích nghi tốt, phù hợp nhưng cũng có những doanh nghiệp thấy thiếu phù hợp.

Đặc biệt, nguyên vật liệu đầu vào thời gian qua tăng rất nhiều, cả giá xăng dầu… đều khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Về tài chính, dòng tiền, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện những gói hỗ trợ thời gian vừa qua khẩn trương hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn vì nay còn một số gói hỗ trợ triển khai tương đối chậm. Ví dụ như gói cho vay trả lương lãi suất 0% đến tháng 9 vừa qua mới giải ngân được khoảng 450 tỷ, chiếm 6% là rất chậm. 

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân cũng mong muốn có gói hỗ trợ lớn hơn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay phải tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Chú thích ảnh
Thu Trang/Báo Tin tức
Bàn cách triển khai, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 128
Bàn cách triển khai, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 128

Sáng 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN