Thành công không nằm trên 'bàn giấy' - Bài 1: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện đã khẳng định rõ: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; kiên định với quan điểm phát triển không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...

Chú thích ảnh
Vị trí sụt sạt nặng nhất tại km105+300, đoạn qua trung tâm xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, ngày 14/9. Ảnh: TTXVN phát

Sau đại dịch COVID-19, giá trị về con người, nhất là yếu tố sức khỏe lại càng được đặt lên vị trí hàng đầu. Giai đoạn hâu COVID là giai đoạn các nước, các nền kinh tế  lớn trên thế giới đều có sự thay đổi theo hướng ưu tiên mạnh hơn cho kinh tế xanh. Các rào cản kỹ thuật được dựng lên với mục đích lựa chọn sản phẩm sạch, công nghệ sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với mục đích cuối cùng không chỉ là lợi nhuận, mà cao hơn là bảo vệ chất lượng sống của người dân. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang đứng trước nhu cầu lấy lại nhanh chóng đà phục hồi phát triển kinh tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc. Chính phủ, các bộ ngành cũng đã đưa ra nhiều quyết sách linh hoạt, nhanh chóng sớm lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Các địa phương cũng đứng trước áp lực phải thực hiện các giải pháp hiệu quả để đạt được mức tăng trưởng cần thiết. Chính lúc này, hơn bao giờ hết, cần phải có một sự thống nhất về tư duy hành động dựa trên những cơ chế chính sách rõ ràng về tiêu chỉ, để không xảy ra tình trạng vì chạy theo tăng trưởng mà ảnh hưởng tới môi trường.

Sự thành công của các giải pháp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ nằm trên kế hoạch, trên bàn giấy, mà phải thực sự được ghi nhận trong quá trình đưa chính sách vào cuộc sống. Nghị quyết của Đảng phải trở thành hiện thực sinh động, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân thì đó mới là thành công thực tế!. 

Bài 1: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng từ Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII. Đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng xác định "ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất... Tới Đại hội XIII Đảng tiếp tục khẳng định "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường". Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta.

Không những vậy, Việt Nam còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định trước toàn thế giới, Việt Nam mặc dù là một quốc gia đang phát triển còn gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần hành động vì trái đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý, trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau". 

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định: "ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp"; "Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm…".  Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do "chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường".

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Sự "nổi giận" của thiên nhiên với các sự cố như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa tăng nhiệt độ trái đất.

Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2021 của Chính phủ trình trước Quốc hội cho thấy, hệ sinh thái rừng tự nhiên là hệ sinh thái chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam mất đi 2.430ha rừng tự nhiên. Lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rạn san hô, đất ngập nước cũng có dấu hiệu suy giảm do tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội. Tất cả những con số trên chúng ta cũng dễ dàng nhận ra trong thực tế khi môi trường sinh thái bị suy giảm và hệ quả là những thiệt hại do thiên nhiên gây ra.

Ngay đầu mùa mưa bão 2023, trên cả nước đã liên tục xuất hiện tình trạng sạt lở, hàng chục tuyến đường bị chia cắt. Nghiêm trọng nhất là vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 12, rạng sáng 13/9 tại các huyện ở Lào Cai đã làm ít nhất 14 người chết, mất tích và bị thương và thiệt khoảng trên 255 tỷ đồng. Hay trước đó, vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân… Những trận lũ ngày càng hung dữ, mỗi năm đều có bao nhiêu sinh mạng mất đi, bao nhiêu gia đình chịu cảnh trắng tay. Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và hậu quả ngày càng kinh hoàng... Đó là những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra mà nguyên do chính là môi trường tự nhiên đang ngày càng bị hủy hoại. Cùng với đó, việc đô thị hóa tràn lan không theo quy hoạch đang can thiệp thô bạo đến cảnh quan tự nhiên và môi trường. 

Sa Pa từng nổi danh là thành phố trong sương, là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất ở vùng miền núi phía Bắc, thế nhưng dường như Sa Pa đang tự đánh mất mình bởi sự phát triển quá nóng, bỏ quên môi trường. "Lên Sa Pa bây giờ chẳng khác gì ra phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân vào mỗi cuối tuần". Đó là cảm thán của rất nhiều người lâu mới quay lại Sa Pa. Bởi họ không thể tìm thấy vẻ hoang vu, yên tĩnh của một "Sa Pa lặng lẽ" nữa. Đô thị hóa đã "thô bạo" bóc bỏ đi sự trầm mặc vốn có của nơi đây để vội vã khoác lên tấm áo choàng hổ lốn với đủ loại kiến trúc đông tây kim cổ. Sa Pa hiện tại là đại công trường, đâu đâu cũng thấy cảnh rầm rập xây dựng, vật liệu ngổn ngang. Nhà cao tầng đang chen nhau mọc lên thay thế màu xanh của núi rừng… Vậy đó, Sa Pa đang bị tàn phá bởi đầu tư phát triển quá nóng của đô thị hóa… Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về đồ án quy hoạch phân khu thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai rà soát cụ thể các chỉ tiêu về mật độ xây dựng tối đa, tầng cao tối đa trong từng phân khu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định liên quan đã được xác định tại quy hoạch chung được duyệt. Cụ thể, đối với các khu hiện trạng cải tạo đề nghị không làm tăng mật độ xây dựng và tầng cao để giảm áp lực vào hệ thống hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Ở một địa danh khác, từng được coi là thành phố mộng mơ, giờ đây với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, TP. Đà Lạt cũng đang ngày càng mất đi màu xanh vốn có. Theo đó, những nhà đầu tư bất động sản luôn tìm kiếm những mảnh đất có "view" đẹp, nhìn ra thung lũng hay đồi thông mà không quan tâm cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường bị ảnh hưởng. Những con suối ở Đà Lạt dần bị lấp, thay vào đó đường bê tông, rác. Mất rừng, mất suối, Đà Lạt ngày càng ngột ngạt và nhạy cảm với thiên tai. Sạt lở đất, ngập úng cũng vì thế mà trở nên phổ biến hơn ở Đà Lạt trong những năm gần đây. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 67/BC-UBND (ngày 14/4/2022), tỉnh này đã thu hồi 208 dự án đầu tư, tương đương 30.469 ha do các doanh nghiệp để mất rừng, mất đất lâm nghiệp, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý I/2022 các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng 12.240,5 m3.

Tình trạng cũng tương tự với "hòn đảo ngọc" Phú Quốc. Hàng loạt công trình xây dựng kiên cố mọc lên ở khu vực được quy hoạch cây xanh, đất rừng bị lấn chiếm, xây dựng vô tội vạ. Nạn lấn chiếm "xí phần" đất rừng quốc gia Phú Quốc, phân lô xây công trình, cất nhà trái phép chưa kịp chặn đứng thì hiện nay Phú Quốc lại tiếp tục nóng khi phát hiện khu bảo tồn biển - nơi phải bảo vệ nghiêm ngặt - cũng bị xâm hại. Đồng thời, hoạt động xây dựng tràn lan, nằm ngoài quy hoạch cũng đã khiến cho dòng chảy của các con sông, con kênh nơi đây bị thu hẹp. Việc đô thị hóa một cách tràn lan đã khiến cho môi trường tại TP. Phú Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng…

Đó là những địa điểm nổi tiếng mà ai cũng có thể nhận thấy thực trạng xâm hại môi trường tự nhiên khi đến thực tế nơi đây. Đây cũng là lý do mà gần đây một dự án đã công khai từ hàng chục năm trước bỗng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận: Hơn 600 ha rừng trong đó có trên 130 ha rừng đặc dụng sẽ nhường chỗ cho dự án công trình hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hay việc dư luận quan tâm có hay không việc tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050 ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm khu kinh tế mà dường như chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chưa bàn đến câu chuyện đúng – sai cũng như hiệu quả của các dự án mà các địa phương đã thực hiện. Nhưng những băn khoăn, lo lắng của dư luận là xác đáng bởi lẽ những hình ảnh trực quan về cánh rừng xanh tốt mai sau sẽ vĩnh viễn mất đã tác động trực tiếp lên tình cảm, nhận thức của hàng triệu người dân. Muốn tái tạo lại rừng tự nhiên phải mất mấy trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, trong khi phá thì chỉ cần vài ngày. Do vậy, khi tác động vào rừng tự nhiên chúng ta cần phải hết sức thận trọng!.

Như vậy, thực tế đã cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đã có, nhưng khi đưa chủ trương vào cuộc sống, nếu không có sự thống nhất về tư duy hành động thì rất dễ sẽ có vô vàn những cách hiểu, cách làm duy ý chí, hoặc những cuộc tranh cãi vô hồi kết. Những câu chuyện được xới xáo lên rồi rơi vào im lặng hoặc không có lời giải đáp thỏa đáng!

Bài 2: Không biện minh cho sự đánh đổi

Quốc Huy (TTXVN)
Thành công không nằm trên 'bàn giấy' - Bài cuối: Vị thế càng tăng, trách nhiệm càng lớn!
Thành công không nằm trên 'bàn giấy' - Bài cuối: Vị thế càng tăng, trách nhiệm càng lớn!

Hiện nay, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN