Để người tiêu dùng và doanh nghiệp gặp nhau
"Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" năm 2022 là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu cho người dân biết đến những sản phẩm, dịch vụ số do các doanh nghiệp cung cấp, từ đó kích thích tiêu dùng số, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chuyển đổi số Việt Nam bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Theo đó, các cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ. Mục đích của “Tháng tiêu dùng số” còn nhằm nâng cao khả năng kỹ năng số cho người dân. Cụ thể như các nhóm kỹ năng số: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ trước nguy cơ trực tuyến không gian mạng; thúc đẩy học tập từ xa, khám chữa bệnh từ xa…
Đối với khách hàng hiện nay thì “Tháng tiêu dùng số” là cơ hội được sử dụng sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn 50% so với cùng chi phí bỏ ra; khách hàng mới có cơ hội giảm tối đa 50% chi phí. “Tháng tiêu dùng số” cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp công nghệ số ở nước ta tiếp cận các khách hàng tiềm năng.
Ý tưởng “Tháng tiêu dùng số” khởi nguồn từ phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (ngày 30/11/2021). Tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban, nhấn mạnh: Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ngân hàng – tài chính, ngành liên quan đến số đông người tiêu dùng Việt Nam, cũng nằm trong dòng chảy đó.
Ngày 4/8/2022, phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi.
Ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của ngành (ngày 11/5). Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn.
Mới đây nhất, trong hai ngày 11 và 12/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sự kiện này hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, nêu rõ: Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã xác định ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Khách hàng hưởng lợi từ chuyển đổi số của ngân hàng
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.
Chuyển đổi số trong ngân hàng là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và các thức hoạt động của ngân hàng thông qua công nghệ. Trong ngành ngân hàng chuyển đổi số còn có nghĩa là cải tiến trong nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ bao gồm: tự động hóa quy trình; nâng cao trải nghiệm khách hàng; tích hợp dữ liệu; nâng cao tính linh hoạt của tổ chức và bán hàng.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ngân hàng, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều tiềm năng với cơ cấu dân số vàng vừa trẻ và năng động. Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến ngày 24/3/2022, dân số Việt Nam có hơn 98 triệu người, với độ tuổi trung bình là 33,3 tuổi. Theo thông tin của TTXVN, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đã có 93,5 triệu thuê bao sử dụng Smartphone, uớc tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%. Đồng thời, theo số liệu thống kê của báo cáo thường niên “Digital 2021”, Việt Nam có gần 70 triệu người dùng internet, chiếm 70,3% trên tổng dân số. Đây chính là điều kiện tốt để các ngân hàng thương mại Việt Nam tạo ra những đột phá trên thị trường tài chính - tiền tệ thông qua chuyển đổi số.
Hầu hết, các ngân hàng thương mại đã ý thức được tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số, tích cực chủ động nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ số để ứng dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính cũng như nguồn lực mà mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số sử dụng trên Smartphone và máy tính như: VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV SmartBanking, VPBank Online, eBank X của TPBank, Ebanking của HDBank, Mobile banking của Eximbank, Agribank E-Mobile Banking, Omni-Channel của OCB, SCB Mobile Banking...
Mặc dù những năm gần đây với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều ngành kinh tế trong nước đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành ngân hàng, tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh đã tạo ra cú hích cho dịch vụ ngân hàng số phát triển với tốc độ nhanh chóng. Các giao dịch trực tiếp ít đi, nhưng khối lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng thì tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo đến khách hàng; qua đó, chứng minh được tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng cũng như tiện ích đối với người tiêu dùng.
Bài cuối: Bịt lỗ hổng Password/OTP