Điều này tạo sự phấn khởi lớn đối với người trồng lúa. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết vụ Thu Đông nhiều bất lợi, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thận trọng trong quy trình sản xuất lúa để giữ vững năng suất và chất lượng.
Mức giá đặt cọc cao lịch sử
Nối tiếp vụ lúa Hè Thu thắng lợi, cộng với giá lúa đang trên đà tăng cao, anh Dương Văn Siêu, Hợp tác xã Thuận Thắng (huyện Thới Lai) xuống giống vụ Thu Đông 2023 với giống lúa cấp xác nhận OM5451 trên diện tích 5ha. Do điều kiện thời tiết mùa mưa dễ hư hao nên anh Siêu sạ 100 kg giống/ha.
Mặc dù, thời tiết vụ Thu Đông không thuận lợi như các vụ khác nhưng anh Siêu kỳ vọng với giá lúa cao, cùng chi phí phân bón giảm thì vụ lúa này sẽ tiếp tục thắng lớn. Hiện, trà lúa của anh Siêu đã được 40 ngày (đang làm đòng) nhưng đã có thương lái đến đặt cọc với giá 7.000 đồng/kg lúa tươi (giống OM5451) nhưng anh Siêu vẫn chưa đồng ý.
"Với giá cọc thương lái đưa ra thì đây là mức giá cao nhất trong lịch sử vụ lúa Thu Đông, cao hơn giá lúa OM5451 vụ Thu Đông 2022 khoảng 2.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn tiếp tục chờ giá lúa tăng lên 7.200 đồng/kg mới nhận cọc", anh Siêu cho biết.
Theo anh Siêu tính toán, nếu thời tiết vụ Thu Đông trong tháng 8 - tháng 9 thuận lợi, không mưa bão gây ngã đổ thì ước năng suất lúa đạt khoảng 700 - 800 kg/công (1.300 m2). Nếu lúa bán được giá 7.000 đồng/kg, trừ chi phí khoảng 17 - 18 triệu đồng/ha thì anh Siêu sẽ lãi khoảng 30 – 40 triệu đồng/ha.
Không chỉ giống lúa OM5451 tăng cao nhất từ trước đến nay, trong vụ lúa Thu Đông 2023, mức cọc kỷ lục cũng được ghi nhận ở các giống lúa OM18, Đài Thơm 8 với mức giá dao động khoảng 7.200 - 7.400 đồng/kg (những năm trước giá lúa OM18, Đài Thơm 8 vụ Thu Đông dao động khoảng 6.000 - 6.500 đồng/kg).
Cũng theo nông dân trồng lúa, mức giá đặt cọc được các thương lái đưa ra cũng tăng từng ngày. Anh Tiêu Ngọc Lợi, Hợp tác xã Nhân Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết, vụ lúa Thu Đông năm nay, hợp tác xã xuống giống 98% diện tích (khoảng 490 ha). Riêng anh Lợi xuống giống 15 ha lúa, đến thời điểm này lúa đang làm đòng. Anh Lợi cho biết, khoảng 15 ngày trước, anh đã ký hợp đồng bán lúa cho thương lái với giá 6.600 đồng/kg lúa OM5451. Đến thời điểm này, các thành viên khác trong hợp tác xã đã nhận cọc với giá lên 7.000 đồng/kg.
"So với vụ lúa Thu Đông những năm trước, giá lúa năm nay được cọc cao hơn khoảng 30%. Giá lúa tăng cao nông dân rất vui", anh Lợi phấn khởi nói.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, hiện giá lúa cao nên đã có thương lái đến đặt cọc tiền mua lúa với nông dân nhưng nông dân rất thận trọng. Theo tìm hiểu hiện có khoảng 10 - 15% nông dân nhận tiền cọc mua lúa từ thương lái, với giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg lúa tươi.
"Do nông dân tính toán khả năng giá lúa còn tăng nên thời điểm này ít nông dân nhận đặt cọc. Từ trước đến nay, đây là năm đầu tiên vụ lúa Thu Đông được thương lái đặt cọc với mức giá cao như vậy", Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ thông tin.
Cũng theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, nếu nông dân bán lúa tươi với giá 6.500 - 7.000 đồng/kg thì sẽ "một lời một" bởi giá thành sản xuất vụ lúa Thu Đông năm nay ước khoảng 3.500 đồng/kg do hiện nay giá phân bón đã giảm nhiều.
Nông dân thận trọng
Hơn một tháng gần đây, giá phân bón các loại trên thị trường đã sụt giảm. Giá phân giảm, giá lúa tăng cao, niềm vui nhân đôi với người trồng lúa Cần Thơ. Mặc dù vậy, nhiều nông dân vẫn không mạo hiểm, bất chấp để xuống giống vụ Thu Đông, nhất là những vùng sản xuất không đảm bảo về đê điều, thủy lợi.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Hợp tác xã Toàn Phát (huyện Cờ Đỏ) cho biết, diện tích xuống giống vụ Thu Đông của hợp tác xã chỉ khoảng 40 ha, còn lại cho thuê hoặc bỏ trống vì lo ngại thời tiết không thuận lợi. Riêng gia đình ông Hồng không xuống giống vụ lúa này.
Mặc dù, giá lúa hiện tăng cao và ông Hồng cảm thấy tiếc nuối do không sản xuất nhưng ông cũng cho biết vẫn chấp nhận. Bởi lẽ giá lúa không biết sẽ tăng hay giảm thế nào và mùa mưa lũ, ngập lụt không thể lường trước được nên nguy cơ dễ bị thua lỗ.
Theo thông tin từ các nông dân, so với cùng kỳ năm ngoái, giá phân bón hiện đã giảm khoảng 30 – 50% tùy loại. Cụ thể, giá phân Ure hiện tại là 420.000 đồng - 430.000/bao 50kg, giảm 1/2 giá so với vụ Thu Đông 2022, giá phân DAP xanh hiện tại 900.000 đồng - 1.000.000 đồng/bao 50kg, giảm khoảng 500.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm ngoái,…
Mặc dù, giá phân bón giảm, giá lúa tăng cao nhưng anh Dương Văn Siêu (huyện Thới Lai) vẫn không “bón thúc” thêm phân để tăng năng suất lúa. Anh Siêu vẫn áp dụng phương án sản xuất “giảm chi phí mức thấp nhất nhưng năng suất cao”. Điều này không chỉ giúp anh giảm chi phí mà còn giảm nguy cơ dịch bệnh xảy ra với cây lúa.
Vụ lúa Thu Đông 2023 ở Cần Thơ đã xuống giống gần 63.000ha thấp hơn 2.287ha so với cùng kỳ, đạt 104% so với kế hoạch. Vụ lúa này, nông dân gieo sạ các giống lúa chất lượng cao như: OM5451, OM18,...Hiện, khoảng 60% diện tích lúa đang làm đòng, 40% lúa đang giai đoạn mạ hoặc đẻ nhánh.
Theo nhận định của bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ, với giá lúa tăng cao và giá phân bón đã "hạ nhiệt" như hiện nay, khả năng nông dân sẽ tập trung đầu tư, chăm sóc nhiều cho vụ lúa Thu Đông.
Tuy nhiên, theo bà Hiếu, nông dân không nên quá lạm dụng việc bón phân cho lúa. Việc lạm dụng phân bón dễ dẫn đến thừa đạm, gây bùng phát dịch bệnh trên cây lúa. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hiện nay, đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên cây lúa ở giai đoạn đầu.
"Điều kiện thời tiết mưa, có gió to dễ gây tổn thương lá, trên các trà lúa đang vào giai đoạn giáp tán, bệnh cháy bìa lá có thể gia tăng tỷ lệ và diện tích nhiễm. Do đây là thời điểm nông dân bón phân đón đòng nên bệnh đạo ôn lá vẫn có thể hiện diện trên trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng. Nông dân cần bón phân cân đối N,P,K để hạn chế bệnh phát sinh phát triển; thăm đồng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời", bà Hiếu khuyến cáo.
Nhận định tất cả các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo hiện nay đều yêu cầu về an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ - Phạm Thị Minh Hiếu lưu ý nông dân trồng lúa, để sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm thì quy trình sản xuất lúa phải đảm bảo về cách sử dụng thuốc, điều kiện cách ly thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn thị trường thì doanh nghiệp mới liên kết với nông dân.
"Vì vậy, nông dân không nên nóng vội thấy giá lúa cao thì đầu tư nhiều để tăng năng suất. Bởi, đầu tư nhiều sẽ đi cùng nguy cơ dịch bệnh bùng phát", bà Hiếu nhấn mạnh.
Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng khuyến cáo người trồng lúa không nên sản xuất lúa ở vùng không đáp ứng sản xuất lúa. Đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ đã hoàn chỉnh đê bao, không bị ảnh hưởng lũ, nông dân vì lợi nhuận tăng cao vẫn sản xuất vụ Thu Đông đảm bảo.
Cho rằng giá lúa cao có nghĩa là nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn cung ít nên doanh nghiệp đến thu mua lúa của nông dân nhiều hơn, bà Phạm Thị Minh Hiếu khuyến cáo các hợp tác xã, nông dân phải biết chọn lựa doanh nghiệp, thương lái liên kết để khi có được thỏa thuận hợp động sẽ không bị "bẻ gãy" hợp đồng.
Ngoài ra, vụ Thu Đông thu hoạch trùng với thời điểm mưa, lũ về (tháng 9, tháng 10). Vì vậy, trong điều kiện phải thu hoạch tập trung nên hợp tác xã phải hợp đồng với dịch vụ để đáp ứng thời điểm thu hoạch rộ, tránh ảnh hưởng do lũ.