Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại trong tháng 5 vừa qua tăng 8,4% lên 55,5 tỷ USD, cao hơn mức dự báo của giới phân tích và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2018.
Sự bất cân bằng thương mại của Mỹ bị nới rộng là do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,3% lên 266,2 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 4 năm qua do người Mỹ mua nhiều ô tô chở khách, dầu thô, chất bán dẫn và các mặt hàng tiêu dùng hơn. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng tăng kỷ lục lên 33,2 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 2%, mặc dù xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng ở mức cao nhất lên 18,1 tỷ USD.
Tính trong cả 5 tháng đầu năm 2019, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 261,4 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt hàng hóa với Trung Quốc trong giai đoạn này giảm 10,5%. Trong khi đó, thâm hụt với Mexico tăng 35% lên 40,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 5 vừa qua, con số này là 9 tỷ USD - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với Liên minh châu Âu (EU), thâm hụt của Mỹ tăng 7,3% lên 72,3 tỷ USD.
Kể từ khi nắm quyền điều hành nước Mỹ vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump không ngừng đưa ra các biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, trong đó có đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu mà ông cho là không công bằng. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy cam kết quan trọng của ông Trump vẫn chưa trở thành hiện thực.
Theo giới phân tích, mức thâm hụt thương mại tăng trong tháng 5 vừa qua cộng với số liệu bị điều chỉnh tăng trong tháng 4 có thể sẽ tác động tới dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý II/2019.