Truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit nói hôm 24/3 rằng các giao dịch G2G và chiến dịch làm cho gạo Thái Lan được các cộng đồng khác trên thế giới biết đến nhiều hơn sẽ là thúc đẩy những nỗ lực làm tăng khối lượng xuất khẩu gạo từ mức 5,7 triệu tấn của năm ngoái.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammatas, để đạt được mục tiêu cho năm 2021, Thái Lan phải xuất khẩu ít nhất 500.000 tấn gạo mỗi tháng, nhưng khối lượng xuất khẩu trong tháng Một và tháng Hai thấp hơn mức chuẩn này do giá tương đối cao so với các đối thủ. Nguyên nhân của việc này là do đồng baht mạnh và nguồn cung thấp do hạn hán.
Hiện Bộ Thương mại đang làm việc với TREA để quảng bá gạo Thái Lan trong khuôn khổ chiến dịch mang tên “Nhắc tới gạo là nghĩ tới Thái Lan” (Think Rice, Think Thailand). Bộ trưởng Jurin cho biết Thái Lan đã thành công trong việc đưa gạo Thái Lan trở nên nổi tiếng hơn ở Canada, tăng xuất khẩu sang nước này lên 21%, từ 80.000 tấn vào năm 2019 lên 120.000 tấn vào năm ngoái.
Mới đây, Nội các Thái Lan đã thông qua việc xuất khẩu 4 triệu tấn gạo sang Indonesia trong 4 năm và 5 triệu tấn sang Bangladesh trong 5 năm theo các thỏa thuận G2G.
Thái Lan đã bán tổng cộng 925.000 tấn gạo trong các hợp đồng G2G cho Indonesia theo thỏa thuận trước đó từ năm 2012 đến năm 2016. Trong 5 năm qua, không có hợp đồng gạo G2G nào giữa Thái Lan và Indonesia được thực hiện, do Chính phủ Indonesia đã khởi xướng chính sách tự cung tự cấp về gạo và thúc đẩy sản xuất gạo trong nước.
Tuy nhiên, Indonesia vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước trong một số năm do thiên tai. Đại dịch COVID-19 cũng khiến Indonesia phải nhập khẩu nhiều gạo hơn để phục vụ nhu cầu nội địa và ổn định giá gạo trong nước. Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 89.406 tấn gạo sang Indonesia, tăng 46,3% so với năm 2019, với giá trị đạt 2,26 tỷ baht, tăng 86,7%.