Điều này đặt ra yêu cầu các hợp tác xã, doanh nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo số liệu thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã). Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Bản Việt (Thái Nguyên) cho rằng, liên kết với nông dân đem lại nhiều thuận lợi trong ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm vẫn là bài toán không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn là thách thức đối với quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá mà còn kết nối nhanh chóng và trực quan hơn giữa nông dân, hợp tác xã, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong quy trình sản xuất. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, nhưng nếu nông dân không tham gia vào chuỗi giá trị cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt và áp dụng công nghệ hiệu quả.
Dẫn chứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho hay, người dân hiện sản xuất sầu riêng phần lớn theo quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, ghi chép thủ công hoặc không ghi chép. Người dân cũng chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thường chủ hộ sẽ truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm tích lũy được theo cách truyền miệng. Đặc biệt, chưa có nhiều phần mềm dành cho các nông hộ nói chung, hợp tác xã nói riêng.
Vì vậy, Bagico đã đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ người dân, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất sầu riêng. Công ty đã cung cấp phần mềm kế toán, truy xuất nguồn gốc, trang web, mạng xã hội để quảng bá và khẳng định chất lượng sầu riêng, đồng thời kết nối khách hàng. Ngoài ra, Bagico còn hỗ trợ hợp tác xã trong quản lý tài sản và sử dụng nhật ký điện tử, giúp việc liên kết chuỗi trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh.
“Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và liên kết chuỗi là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng nói riêng và các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thành Thực bày tỏ.
Hương Vân Trà là một trong những hợp tác xã chè tại Thái Nguyên đã đẩy mạnh liên kết với người nông dân nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chè.
Bà Nguyễn Thị Hương Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà bày tỏ, điều đầu tiên để hợp tác xã có thể đưa những sản phẩm chất lượng nhất ra thị trường là làm sao đẩy mạnh liên kết với bà con để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng. Hiện tại, Hợp tác xã Hương Vân Trà có hơn 20 ha diện tích trồng chè theo quy trình VietGAP. Vừa qua, hợp tác xã đã kết hợp với một đơn vị để chăm bón theo quy trình phân hữu cơ organic toàn phần trên diện tích hơn 10 ha. Năm 2022, hợp tác xã mở rộng thêm hơn 10 ha tại xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên. Đây là một trong những vùng đất sản xuất ra những dòng chè Tân Cương nổi tiếng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Vân, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại tập trung vào các sản phẩm trọng điểm của vùng đang là xu hướng được thực thi trong thời gian tới. Với sân chơi thương mại, rất cần cơ sở vật chất để lan toả sản phẩm. Đơn cử, khi có được nguồn sản phẩm tốt, doanh nghiệp rất cần các trung tâm thương mại, những điểm bán quy mô lớn để đưa sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh khác liên kết với nhau. Qua đó, có thể lựa chọn được tất cả các sản phẩm của các vùng miền, của các tỉnh mà lại yên tâm tuyệt đối về nguồn gốc chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp luôn mong muốn nhà nước hỗ trợ để yên tâm sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình) khẳng định: Hợp tác xã 3T Farm đang nỗ lực xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Hơn nữa, hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối liên kết bền vững với người tiêu dùng thông qua các chương trình giáo dục, các buổi trải nghiệm thực tế truyền thông về lợi ích của sản phẩm bền vững. Ngoài ra, hợp tác xã đã phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo như cửa hàng nông sản sạch, trang trại tham quan và học tập nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Tuy nhiên, hợp tác xã còn gặp rất nhiều khó khăn thử thách như quy mô còn hạn chế, chưa có công nghệ chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng sản phẩm, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, cơ sở hạ tầng nhà kho, máy móc hay điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Do đó, hợp tác xã mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cấp chính quyền, các tổ chức, và toàn thể cộng đồng để cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trong một số ngành hàng cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro và lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao. Nhìn chung, các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc. Không những vậy, số hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Hơn nữa, chưa có nhiều hợp tác xã có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Do đó, để chuỗi giá trị phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục mặt những hạn chế, nhất là cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và mối liên kết dọc giữa tác nhân trong chuỗi.