Riêng đối với hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Công Thương thực hiện xác nhận khai báo (tương tự như với 3 nhóm chất hiện nay tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP), đối với các hóa chất khác, việc phản hồi kết quả được thực hiện tự động như quy định hiện hành.
Theo đại diện Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, theo quy định hiện hành, chỉ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo mới phải thực hiện khai báo khi nhập khẩu, dẫn đến khả năng nhiều hóa chất nguy hiểm, độc hại được nhập khẩu vào Việt Nam mà cơ quan quản lý không có thông tin, không giám sát được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Cùng với sự phát triển đa dạng các hoạt động công nghiệp, nhiều loại hóa chất mới lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam khiến Danh mục hóa chất phải khai báo không thể điều chỉnh hoặc thay đổi kịp thời, dẫn tới khó khăn trong việc xác định các loại hóa chất mới để áp dụng quy trình quản lý.
“Bên cạnh đó, do quy định khai báo hóa chất nhập khẩu hiện nay rất thông thoáng, chủ yếu do hệ thống thực hiện tự động, dẫn đến một số đơn vị không nhập khẩu hóa chất nguy hiểm để kinh doanh khi không có giấy phép, giấy chứng nhận, hoặc lạm dụng sử dụng sai mục đích”, Cục Hóa chất cho hay.
Liên quan đến tư vấn hoá chất, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn hóa chất.
Đại diện Cục Hóa chất cho rằng, quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, an toàn phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Hơn nữa, về tư vấn hóa chất, hiện Bộ Xây dựng chỉ cấp chứng chỉ xây dựng cho tổ chức, cá nhân hoạt động đối với công trình công nghiệp, công nghiệp nhẹ, và công nghiệp nặng, không cấp riêng cho lĩnh vực hóa chất. Trong khi đó, công nghiệp hóa chất mang tính đặc thù, chuyên môn sâu, có nguy cơ cao xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến môi trường, con người và tài sản.