Tập trung xử lý các khoản nợ xấu

Năm 2014, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tiếp tục phải đối mặt với áp lực không nhỏ trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tái cơ cấu các khoản nợ xấu, thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nền kinh tế phát triển lành mạnh. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị VAMC xung quanh vấn đề này.

 


Trong năm qua, VAMC đã xử lý vấn đề nợ xấu như thế nào, thưa ông?


Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt (TPĐB), từ 34/35 tổ chức tín dụng (TCTD) gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Như vậy, sau 3 tháng thực hiện việc mua nợ xấu, VAMC đã hoàn thành mục tiêu đề ra đến cuối năm mua từ 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB. Đây được xem là nỗ lực tối đa của VAMC trong việc “thu gom” những khoản nợ xấu theo đúng tinh thần đã hứa với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).


VAMC bắt đầu thực hiện việc mua nợ xấu của các TCTD từ ngày 1/10/2013 và ngân hàng đầu tiên đăng ký bán nợ cho công ty là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng giá trị ghi sổ của số nợ này là 2.450 tỷ đồng. Chúng tôi không mua nợ về rồi để đó hoặc trông chờ cơ hội bán tài sản đảm bảo. Trách nhiệm lớn hơn cả đó là sau khi mua về phải phân loại, rà soát, tái cơ cấu các khoản nợ, rồi cùng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh khả thi của mình.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Vấn đề nợ xấu đã được đặt ra và cho là nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, tác động tới tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Tuy nhiên, phải tới gần giữa năm 2013 mới ra đời một công ty chuyên biệt về xử lý nợ xấu có phải là chậm trễ không, thưa ông?


Nếu VAMC ra đời sớm hơn thì tôi tin chắc rằng, hiệu ứng sẽ tốt hơn, tác dụng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp, TCTD để họ sớm có hướng xử lý tái cấu trúc và tư duy về nợ xấu sẽ mạch lạc hơn. Nhớ lại những ngày đầu, khi rà soát lại các khoản nợ, các TCTD chỉ đăng ký lác đác vài nghìn tỷ đồng, khi đó chúng tôi rất lo vì đặt ra mục tiêu phải mua được khoảng 30.000 tỷ đồng. Điều phấn khởi nhất hiện nay là, các TCTD đã hiểu được lợi ích việc bán nợ nên họ rất tự nguyện. Đến thời điểm này, NHNN chưa phải dùng một biện pháp hành chính nào cả. Có TCTD có nợ xấu dưới 3% vẫn tự nguyện bán. Theo quy định, đơn vị có nợ xấu trên 3% buộc phải bán nợ cho VAMC.


Tôi nghĩ thành công việc mua bán nợ 2013 là nhờ Thông tư 19, 20 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC và quan trọng nhất là hướng dẫn của Nghị định 53/2013/NĐ - CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của VAMC thực chất là chuyển nợ, chứ không phải mua - bán nợ xấu? Ông có bình luận gì về cách gọi này?


Về việc này, tôi đã từng phản biện một số chuyên gia kinh tế và tôi khẳng định: Việc mua bán nợ được thể hiện bằng hợp đồng. Sau khi mua lại khoản nợ, VAMC hoàn toàn có quyền quản lý và chịu trách nhiệm, chứ không phải chuyển từ dạng này sang dạng kia. VAMC có quyền điều chỉnh nợ, miễn giảm lãi, tái cấu trúc và kể cả bán nợ. Tổ chức hay cá nhân nào muốn mua khoản nợ đó thì phải được sự chấp thuận của VAMC và sẽ nhận được TPĐB sau khi đã trích dự phòng rủi ro. Việc mua bán nợ được thể hiện bằng hợp đồng (mua đứt bán đoạn, bằng TPĐB) và hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp, TCTD... VMAC hoạt động không phải vì mục tiêu lợi nhuận mà tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, TCTD và có lợi cho nền kinh tế.

 

Khi làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), ông thấy các ngân hàng thường muốn bán nợ xấu cho VAMC theo phương thức nào?

Các NHTM đặt vấn đề VAMC mua đứt, bán đoạn hay mua bằng TPĐB. Có TCTD đặt vấn đề mua đứt, bán đoạn thì mua như thế nào? Mua để giải quyết dứt điểm hay không? Khoản nợ đó được xử lý đến cùng ra sao? Chủ trương VAMC cũng chưa đặt vấn đề là mua đứt, bán đoạn, thứ nhất vì vốn điều lệ có 500 tỷ đồng. Với số vốn này, VAMC không thể có khả năng mua những khoản nợ lớn. Trong khi đó, cán bộ có năng lực, trình độ quản lý các khoản nợ đó cũng chưa đi vào thực tiễn, chúng tôi vừa làm vừa học hỏi nên phải có thời gian.


Và, điều quan trọng hơn là phải xem xét cơ chế mua bán giữa VAMC và ngân hàng bán nợ, cũng như giữa VAMC và các nhà đầu tư mới. Trong đó cơ chế định giá nợ nên thế nào để tạo chủ động, rút ngắn thủ tục và thời gian cho các bên; ai là những người có thể tham gia vào các giao dịch này? Đối với VAMC, đây là sự thách thức về năng lực, trình độ của nguồn nhân lực. Hiện, đa số các TCTD đồng thuận và tham gia tích cực mua bán nợ bằng TPĐB.

 

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của VAMC trong năm 2014?


Năm 2014 tiếp tục là năm đầy áp lực đối với VAMC. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kế hoạch mua nợ từ 70 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng bằng TPĐB. Bên cạnh đó sẽ cố gắng hoàn thiện Đề án mua nợ theo giá thị trường (kèm theo đề án này là mua đứt, bán đoạn). Tuy nhiên, Đề án này sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Đầu tiên, để thu mua nợ xấu hoặc bảo lãnh tài sản thế chấp cần có rất nhiều tiền nhưng vốn điều lệ của VAMC hiện chỉ có 500 tỷ đồng nên cần phải được bổ sung thêm hoặc nếu phải đi vay thì thời gian vay cũng phải là tối thiểu từ 5 - 7 năm. Vì vậy, chúng tôi đang đề xuất xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng (chưa thông qua). Hoặc có thể huy động nguồn vốn nước ngoài.


Hiện có tổ chức quốc tế đặt vấn đề cho vay nhưng chúng tôi cũng phải nghiên cứu, xem xét phương án, xử lý khoản vay ra sao phải có kế hoạch và lộ trình. Điều mà chúng tôi băn khoăn hiện nay là còn nhiều rào cản về yếu tố pháp lý trong việc mua bán nợ xấu, đặc biệt là tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì chúng tôi sẽ phải xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản đó ra sao? Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào việc mua bán, xử lý nợ xấu sẽ yên tâm hơn.


Đối với việc xử lý nợ xấu đã mua, đây là một nội dung VAMC phải làm nhưng để triển khai cũng không phải đơn giản. Nợ xấu trước hết phải mua về, sau đó phân loại để bán. VAMC đã thành lập bộ phận rà soát và tiến hành phân loại nợ nhưng không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc trong năm nay. Việc VAMC mang nợ đi bán rẻ bằng mọi giá không phải là một giải pháp tốt. Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp... trước khi bán nợ.

 

Ông đánh giá thế nào về việc Thông tư 02/2013/TT - NHNN yêu cầu các NHTM phân loại rõ các nhóm nợ xấu. Nếu áp dụng từ tháng 6/2014 thì con số nợ xấu sẽ ở mức độ nào thưa ông?


Theo tôi, Thông tư 02 đã giúp các TCTD đi vào hoạt động ổn định hơn. Việc giãn thêm một năm cho thông tư này cũng đã tạo điều kiện cho các TCTD rồi. Nhưng dù trước mắt có gặp nhiều khó khăn thì theo tôi vẫn nên đưa vào thực hiện. Việc thực hiện theo Thông tư 02 sẽ là dịp để các TCTD nhìn lại nợ xấu của mình và phải có trách nhiệm xử lý nó.


Tôi nghĩ, nếu thực hiện từ tháng 6/2014 thì khoản nợ xấu VAMC mua sẽ tăng vì lúc đó nhiều khoản nợ có thể sẽ bị chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN cũng đang xem xét để có lộ trình từng bước đưa thông tư này đi vào hoạt động.


Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!


Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN