Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn mà ngành ngân hàng Hải Dương có thể phải đối mặt trong thời gian tới như: dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; năng lực tài chính của người dân và doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn; khách hàng khó đáp ứng điều kiện cho vay vốn khiến việc xem xét cho vay gặp khó khăn; việc thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và trả nợ ngân hàng của khách hàng cùng gặp khó khăn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…
Trước những khó khăn này, ông Trần Văn Quân yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng; huy động vốn nhàn rỗi; mở rộng tín dụng và tập trung vốn tín dụng phục vụ phát triển ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên; thực hiện tốt phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Cùng đó, tích cực tuyên truyền để người dân quen và thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là với các dịch vụ công như: thuế, tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Đồng thời, chủ động hơn trong thực hiện chuyển đổi số để cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ trong giao dịch.
Ngoài ra, chủ động kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước để cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chung tay tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của địa phương tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tăng cường thu hút đầu tư; đảm bảo an sinh xã hội…
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Hội sở và địa phương; đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, liên tục, không bị gián đoạn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ ngân hàng, an toàn hoạt động cũng như quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chi, trả ngoại tệ tăng trưởng khá; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng đều có sự tăng trưởng; hệ thống thanh toán liên ngân hàng được vận hành thông suốt, an toàn; thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh...
Đối với tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, bà Vân cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, chi nhánh các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiên cơ cấu nợ cho 1.243 khách hàng, giá trị nợ lũy kế 2.560 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 75.624 khách hàng, giá trị nợ lũy kế 99.390 tỷ đồng; cho vay mới 18.016 khách hàng. Đối với cho vay chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi đến cuối tháng 12/2021 là trên 50,2 tỷ đồng.
Đến hết tháng 12/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 151.950 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng đạt 106.569 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020.
Năm 2022, ngành ngân hàng Hải Dương phấn đấu huy động vốn tăng 8% trở lên; tăng trưởng tín dụng khoảng 10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ so với năm 2021.
Nhân dịp này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương đã được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng tặng Bằng khen cho 3 đơn vị gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hải Dương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Dương và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Chí Linh vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2021.