Với kim chỉ nam chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thế hệ nông dân hiện đại đang có sự chuyển đổi đi lên rõ rệt, hạt gạo ngày càng chất lượng. Tuy nhiên, để duy trì được những thành quả hiện có, phát triển hơn nữa hạt gạo Việt Nam, ứng dụng công nghệ một cách toàn diện trong ngành hàng lúa gạo cần có sự chung tay của nhiều đơn vị trong chuỗi lúa gạo.
Gần 5 năm qua, hạt gạo chất lượng cao của Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường thế giới. Gần đây nhất là công bố gạo Việt Nam được bình chọn là gạo ngon nhất trong khuôn khổ hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu tại Philippines, do The Rice Trader tổ chức. Theo đó, Việt Nam có 6 giống lúa được đánh giá cao gồm: ST 24, ST 25, Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9, TBR 39-1 và nếp A Sào. Đây là thành công lớn cho những nỗ lực của các nhà khoa học nghiên cứu ra hạt gạo chất lượng cao, cung ứng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Trần Thị Liên, Chủ tịch HĐQT VINASEED, khoa học công nghệ và tri thức hóa người trồng lúa là yếu tố cực kỳ quan trọng. Để khai mở được sức mạnh này cần phải có sự thay đổi về cơ chế và bổ sung nguồn lực cho ngành hàng lúa gạo. Cụ thể hoá của khai mở sức mạnh này là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vừa được Chính phủ phê duyệt vào gần cuối tháng 11/2023.
Nếu thực hiện thành công đề án này tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ có nền tảng để tổ chức lại toàn bộ mảng sản xuất. Khi đó, ngành hàng lúa gạo sẽ có những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới, đặc biệt là chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải và tạo ra sự khác biệt cho lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, dù năng suất và sản lượng của lúa gạo Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác nhưng Việt Nam vẫn còn ở hiện trạng sản xuất nhỏ lẻ, chỉ mới được tập trung dưới dạng các hợp tác xã là chính, chưa có nhiều đơn vị sản xuất quy mới lớn, có khả năng ứng dụng cơ giới hoá hàng loạt.
Công nghệ giống vẫn là yếu tố tiên quyết trong các khâu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo hiện nay. Không phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng sâu bệnh mà thay vào đó là sử dụng giống tốt, ứng dụng giải pháp canh tác tiên tiến như sạ thưa, sạ cụm, hiệu ứng hàng biên, tưới ướt khô xen kẽ cùng với phân bón thế hệ mới tạo sức sống cho cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp để sử dụng có hiệu quả việc trừ sâu bệnh. Những giải pháp đồng bộ này không những giúp giảm chi phí mà còn tránh được ảnh hưởng đến môi trường - bà Trần Thị Liên nhấn mạnh.
Theo tập quán sản xuất lúa truyền thống, "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" thì giống được xếp vị trí thứ tư về tầm quan trọng của sản xuất. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu người tiêu dùng thế giới hiện nay, giống lại được đặt lên vị trí đầu tiên.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, giống nói chung và giống trồng trọt nói riêng; trong đó có giống lúa, là yếu tố quan trọng đối với hàng chục triệu hộ nông dân. Ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đang có một hình ảnh mới mẻ trên trường quốc tế. Những năm qua, thông qua chương trình giống quốc gia, Việt Nam tự hào có nhiều giống lúa vươn tầm thế giới. Việt Nam đã trở thành cường quốc vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu lúa gạo. Thành quả ngày hôm nay có sự góp sức rất lớn của các nhà khoa học nghiên cứu về giống.
Cùng với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, lai tạo ra nhiều giống lúa chất lượng thì ngành hàng lúa gạo còn có thêm nhiều thành tựu mới về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Điển hình của ứng dụng công nghệ này có thể nói đến sản xuất lúa gạo "mặt ruộng không dấu chân" của Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" thực hiện sản xuất lúa gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ, giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20% - 30%, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập đoàn áp dụng mô hình này trong kế hoạch liên kết sản xuất, canh tác lúa an toàn và tiêu thụ sản phẩm được triển khai đầu tiên tại Hợp tác xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang). Tập đoàn cam kết mức lợi nhuận của người trồng lúa tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm và được bao tiêu đầu ra. Từ đó mô hình mở rộng diện tích ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc áp dụng khoa học kĩ thuật xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó có dịch vụ máy bay không người lái chuyên dụng (drone) để xử lý các khâu bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, đẩy mạnh liên kết hợp tác xã - Liên hiệp Hợp tác xã để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tối ưu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động mùa vụ, áp dụng 100% cơ giới hóa trên 3.700 ha lúa.
Đồng thời Tập đoàn Lộc Trời quyết liệt triển khai mô hình liên kết sản xuất bao lợi nhuận (Lộc Trời 123) cho hơn 200.000 bà con nông dân với diện tích dự kiến 150.000 ha ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa để giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật xuống đồng ruộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn Nguyễn Thành Thân, chia sẻ, mỗi vụ, Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn sản xuất hàng trăm ha, gắn với liên kết mô hình Lộc Trời 123, nông dân sản xuất lúa được bao tiêu đầu vào là vật tư, đầu ra là hạt lúa và cam kết với nông dân gia tăng lợi nhuận. Lộc Trời cung ứng giống lúa, Liên hiệp Hợp tác xã cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thu mua lúa… cùng vận hành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Nhiều năm liền Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn hoạt động hiệu quả, nông dân thu lãi cao so với sản xuất thông thường ngoài mô hình.
Ông Lê Văn Phước, ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn cho biết, gia đình canh tác 2 ha lúa giống OM18 do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu theo tiêu chuẩn canh tác lúa gạo bền vững SRP. Ông Phước thực hiện quy trình sạ thưa với mật độ 120 kg lúa giống/ha và thực hành sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Trong quá trình sản xuất, ông được hỗ trợ giống, phân thuốc, được tập huấn quy trình canh tác lúa "1 phải 5 giảm" với các nội dung kỹ thuật chủ yếu như: làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn SRP, ruộng của ông Phước giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch mà năng suất vẫn tăng. Nhờ vậy, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 4 triệu đồng/ha.