Sáng 21/1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tại hội nghị, Tổng cục Quản lý thị trường đã khai trương Cổng thông tin điện tử và hệ thống quản lý văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng như giúp lực lượng tập trung, xuyên suốt, đồng bộ và thống nhất để nâng cao hiệu quả trong các hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2018, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 490,27 tỷ đồng, ước trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng thắng thắn nhìn nhận rằng, việc nắm thông tin dự báo tình hình thị trường còn bị động, dự báo chuyên sâu còn yếu, thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản, dẫn đến những thiếu sót, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, xử lý vi phạm dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Đáng chú ý, đạo đức công vụ của quản lý thị trường đang là một vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại như hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân khi hoạt động công vụ.
Chính vì vậy, bước sang năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đề ra định hướng phải là cơ quan chuyên trách kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường. Đặc biệt, phải có trách nhiệm kiểm tra không chỉ khâu lưu thông mà cả khâu sản xuất, nắm được nguồn phát sinh các loại hàng giả, kém chất lượng.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Trần Hữu Linh lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác như công an, thuế, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường…
Đáng lưu ý, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiến hành ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ với UBND các tỉnh, thành phố trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, quản lý thị trường là lực lượng chủ công trong việc thực thi pháp luật, kiểm tra thực thi pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc tổ chức lại theo ngành dọc của lực lượng quản lý thị trường là yêu cầu bức thiết trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tính chất tương tác qua lại lẫn nhau giữa các nền kinh tế, lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức, người dân.
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng “bình mới, rượu cũ”, đẩy nhanh kiện toàn bộ máy tổ chức, với lực lượng tinh thông nghiệp vụ, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các địa phương với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…
Bộ trưởng cũng chỉ ra yêu cầu của Chính phủ trong việc tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương qua việc phối hợp với các địa phương để thực hiện các chuyên đề kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, kiện toàn tổ chức nhân sự, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm quản lý thị trường, xử lý nghiêm những cán bộ bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.
Ngoài ra, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; đồng thời gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch từ trung ương đến địa phương.
Tiếp tục rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hiệu quả về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
Đặc biệt, trong việc kiện toàn bộ máy nhân sự, cần hoàn thiện quy chế phối hợp, đây là nhiệm vụ có tính sống còn của lực lượng quản lý thị trường với các địa phương, các lực lượng chức năng.
Đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường.
Hơn nữa, cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương để hoàn thiện việc quản lý quy hoạch, quản lý cán bộ sau bổ nhiệm vì quản lý thị trường là lĩnh vực rất nhạy cảm.
Đáng lưu ý, cần chuẩn hóa để bảo đảm lực lượng quản lý thị trường có năng lực, chuyên môn, hiểu biết về chính sách pháp luật; có cơ chế, chính sách đào tạo gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế phải được đặc biệt quan tâm.
Mặt khác, xây dựng đề án đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường để có nguồn lực mạnh mẽ bảo đảm về đạo đức và năng lực chuyên môn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ sớm hình thành các trung tâm thông tin dữ liệu về kinh tế số từ hải quan, thuế, môi trường… Bộ Công Thương sẽ tạo mọi nguồn lực đầu tư, thể chế để phát triển lực lượng quản lý thị trường.