Theo Vụ Pháp chế, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được ban hành và Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 – 2014. Vì vậy, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đa đạng, tương ứng với các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Điểm nổi bật tạo nên hiệu quả trong hỗ trợ pháp lý của ngành công thương thời gian qua là việc phổ biến các nội dung chính sách, quy định mới tới người dân và doanh nghiệp; triển khai tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, nghiên cứu; điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Do đó, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật và chỉ đạo ngay đối với những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng lưu ý, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và việc chuyển giao nhiệm kỳ mới của Chính phủ nên một số hoạt động pháp chế, pháp luật của Bộ Công Thương cũng bị tác động, ảnh hưởng không nhỏ; trong đó, có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với nỗ lực và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục là nhiệm vụ được Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ quan tâm chú trọng để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Vụ Pháp chế cũng đã tham mưu Bộ trưởng ký Quyết định số 142/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 của Bộ Công Thương nhằm thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thông. Qua đó, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương, tạo hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tính đến đầu tháng 7, Vụ Pháp chế đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký tư vấn viên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các doanh nghiệp, đến nay đã công nhận được một tổ chức tư vấn.
Đại diện Vụ Pháp chế cho hay, trong giai đoạn doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trước dịch bệnh COVID-19, những hỗ trợ về pháp lý của Bộ Công Thương được cộng đồng kinh doanh, doanh nghiệp đánh giá tích cực.
Dự báo bối cảnh dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoàn thiện thể chế pháp luật của Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương nói riêng năm 2021.
Để đạt được hiệu quả tốt hơn, nhất là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm, Vụ Pháp chế đề xuất tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí; trong đó, ưu tiên kinh phí để xây dựng Cổng thông tin pháp luật Công Thương để cải thiện về phần mềm, dung lượng khai thác, sử dụng. Điều này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý trực tuyến cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, Vụ Pháp chế cũng kiến nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ nghiên cứu, xây dựng đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2015.