TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2014 đã rõ hơn song còn thấp xa so với mức trung bình giai đoạn 1990- 2010.
Tăng trưởng GDP hiện vẫn thấp
Tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức trung bình và thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Giai đoạn 2012- 2016, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar, còn thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Theo CIEM, Việt Nam vẫn chưa cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2008- 2013 thấp đáng ngại. Để duy trì thành tích tăng trưởng đã đạt được trong thời gian gần đây, Việt Nam sẽ phải tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên gần 1,5 lần.
Tại Hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô năm
2014 và triển vọng kinh tế năm 2015” tổ chức ngày 11/2, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, năm 2015, phục hồi tăng trưởng chủ yếu chỉ diễn ra ở lĩnh vực công nghiệp- xây dựng và nông lâm nghiệp- thủy sản; phục hồi tăng trưởng chậm lại ở lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Tác động của thay đổi thể chế 2014 để cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng và được đảm bảo chắc chắn hơn. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà luật pháp không cấm. Việc thay đổi thể chế cũng đã làm giảm rào cản gia nhập thị trường và cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán và sáp nhập. Tuy nhiên, CIEM cũng đề nghị chính sách tín dụng và cách điều hành phải gắn liền với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung và dài hạn để neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Kỳ vọng về sự khởi sắc
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 ở mức 6,07% (mục tiêu đặt ra là 6,2%); tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 11,2%, thấp hơn so với năm 2014. Đáng lưu ý, thâm hụt thương mại dự kiến sẽ ở mức 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Còn mức tăng giá tiêu dùng (CPI) là khoảng 4,14%, cao hơn so với năm 2014. Theo CIEM, để kinh tế Việt Nam năm 2015 khởi sắc hơn, trước mắt, Nhà nước, cơ quan ban ngành liên quan cần tập trung và nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 6,2% trong năm 2015, theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần đòi hỏi nỗ lực từ hai phía. Với Chính phủ phải chọn được những ngành, khâu đột phá; thực hiện tốt vai trò là người điều phối, điều hành nền kinh tế, hạn chế can thiệp trực tiếp của Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp phải nhìn các bước đi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có thể tạo ra thị trường và hình thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao. “Nếu cứ tiếp tục loanh quanh trong khu vực của chúng ta như thế này, với tư duy, cách quản trị doanh nghiệp như hiện nay thì sẽ rất khó bắt nhịp được với tiến bộ của khu vực”, ông Kiên nói.
Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng khuyến nghị, về trung hạn, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề liên quan đến việc kết nối khá hạn chế của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Từ đó có chiến lược rõ ràng để nền kinh tế có thể cạnh tranh khi yếu tố cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ không còn nữa.
Theo các chuyên gia kinh tế, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Lạm phát trong năm 2015 được dự báo vẫn ở mức thấp, khoảng 4%, sẽ đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Dự báo, tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài FDI có thể tăng lượng vốn giải ngân lên đến trên 17 tỷ USD, do nhu cầu nhập máy móc thiết bị tăng trong năm 2015.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế- Tài chính, Học viện Tài chính, vốn FDI trong 5 năm tới sẽ là nguồn chủ lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Lạm phát thấp đảm bảo cân đối vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho tái cấu trúc nền kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư quay trở lại.
Minh Phương