Phát triển kinh tế đồng bằng sông cửu long bền vững - Bài cuối:

Tăng tốc để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững

Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu “Xây dựng, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững và là địa bàn, cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực….

 

Khởi đầu từ chính sách


ĐBSCL vốn nổi tiếng là châu thổ lớn và phì nhiêu, là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Vì thế ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng nơi đây thành vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất lúa gạo, thủy sản.

 

Liên kết trong sản xuất và liên kết vùng là một trong những “chìa khóa” cho sự phát triển của khu vực ĐBSCL.

Tiếp theo, tháng 8/2012, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì phối hợp các ngành chức năng và những tỉnh thành trong khu vực đề xuất cơ chế đặc thù phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng bao gồm: lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. “Chủ trương của Nhà nước là không trực tiếp bao tiêu sản phẩm mà thực hiện theo cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nhà nông”, ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết.


Hiện ngành nông nghiệp đang hoàn tất quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và sẽ nhanh chóng triển khai vào thực tế. Theo đó, công tác này không làm tràn lan mà chỉ tập trung vào những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của từng địa phương. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” do ngành nông nghiệp triển khai thí điểm tại khu vực ĐBSCL đang cho những kết quả ấn tượng. Mô hình này không chỉ giúp nhà nông tăng thu nhập mà còn chấm dứt được cảnh lo lắng về đầu ra, giảm chi phí đầu tư ban đầu và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, hàng loạt chính sách kịp thời mang tính vĩ mô như: Nghị định 61 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp… đã như “liều thuốc” kịp thời giúp ngành nông nghiệp nơi đây khởi sắc.


Với sự chỉ đạo trực tiếp của bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ những chủ trương, chính sách trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tùy theo điều kiện từng địa phương, chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh sẽ có sự gắn kết giữa các bộ phận: thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách hành chính, giáo dục, đào tạo lao động, cơ sở hạ tầng… “Điều quan trọng trong việc xây dựng chiến lược là phải phát triển bộ khung có tính bao quát và hướng tới tương lai, từ đó triển khai thành các chương trình cụ thể, có trình tự ở các cấp” - ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.

 

Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành


Khác với những khu vực khác, do tính chất đặc thù, công tác liên kết vùng, liên kết ngành nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các tỉnh ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách về vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và giao cho Ban chỉ đạo vùng Tây Nam bộ đóng vai trò điều phối, hỗ trợ cho công tác liên kết vùng. “Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói vai trò này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả. Điều này dẫn đến hệ lụy thời gian qua, mỗi tỉnh có cơ cấu kinh tế và sản phẩm tương đối giống nhau nhưng lại phát triển độc lập không phát huy hết lợi thế nên cần phải liên kết nhằm chuyên môn hóa…” - ông Sương cho hay.


Có cái nhìn trực diện hơn, ông Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Viện khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng ngoài liên kết vùng thì trong chính nội tại từng ngành cũng phải có sự liên kết chặt chẽ hình thành những chuỗi giá trị sản phẩm mang tính toàn cầu. Cụ thể, cần chú trọng xây dựng mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và khoa học) trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng để giảm phụ thuộc vào lúa gạo mà phải kết hợp với thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ và du lịch; chủ động liên kết với các địa phương, khu vực… có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ để hình thành các trục, tuyến phát triển…


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN