Ngân sách có thể bị thất thu
Khi xem xét các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, bên cạnh việc đảm bảo mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, cần dựa trên kinh nghiệm quốc tế song song với việc bảo đảm đạt những hiệu quả toàn diện.
“Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được thực hiện từng bước có lộ trình hợp lý, có tính định hướng dài hạn để hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước (NSNN), hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu”, ông Nguyễn Chí Nhân đề xuất.
Tại Hội thảo “Thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức ngày 16/7, TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Cần làm rõ nội dung sửa đổi chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá; chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá; đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá đến kinh tế xã hội và NSNN.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý, bên cạnh áp thuế TTĐB 75%, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu lên mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định "thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" áp dụng mức thuế suất 75% từ năm 2019 đến nay. Theo Bộ Tài chính, mức thuế này còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% đối với thuốc lá và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án.
Trong đó, Bộ Tài chính lựa chọn phương án áp thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao với thuốc lá điếu từ năm 2026 và tăng dần lên qua từng năm. Đến năm 2030, áp thuế 10.000 đồng/bao. Với xì gà, cơ quan quản lý đề xuất mức thuế tuyệt đối áp dụng với mặt hàng này sẽ tăng liên tiếp từ năm 2026 là 50.000 đồng/điếu đến năm 2030 sẽ là 100.000 đồng/điếu.
Cũng theo Bộ Tài chính, khi áp dụng thuế hỗn hợp, dự kiến số thu thuế TTĐB có thể tăng từ 17,6 nghìn tỉ đồng (năm 2022) lên 39,2 nghìn tỉ đồng (năm 2030). Tuy nhiên, với thực tế hàng lậu sẽ xâm chiếm toàn diện thị trường thuốc lá, mức dự thu này sẽ khó đạt được, dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế từ thuốc lá hợp pháp, ảnh hưởng lớn đến NSNN.
Tổng Thư ký VTA nhận định, NSNN có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu khi tỷ lệ thuế TTĐB/giá bán lẻ tăng cao (nếu hiện tại tỷ lệ thuế/giá bán lẻ là 31,5%, với 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu có giá bán lẻ bình quân 22.000 đồng/bao năm 2023, NSNN ước tính thất thu gần 4.000 tỷ đồng/năm).
Giả định trong giai đoạn 2026 - 2030, số lượng thuốc lá nhập lậu này không đổi, thuế TTĐB thất thu bình quân là gần 7.400 tỷ đồng/năm, trong đó năm 2030 là 9.000 tỷ đồng. Trên thực tế lượng thuốc lá nhập lậu chắc chắn tăng khi giá bán thuốc lá nội địa hợp pháp tăng sốc và lớn, số thuế TTĐB thất thu có thể lên tới 11.000 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 là gần 16.000 tỷ đồng.
Cần lộ trình hợp lý
Theo bà Vũ Lan Hương, Phó Giám đốc Công ty Thuốc lá Thăng Long, việc tăng thuế TTĐB quá đột ngột sẽ “kích cầu” thuốc lá nhập lậu. Khoảng cách chênh lệch về giá quá lớn sẽ tạo động lực hấp dẫn hơn cho hoạt động buôn bán thuốc lá, thuốc lá giả. Bộ Tài chính cần xem xét giãn tiến độ tăng thuế để cho các doanh nghiệp thuốc lá điếu có thời gian phục hồi sau các "cú sốc" kinh tế.
Theo Hiệp hội VTA, 2 phương án đề xuất của Hiệp hội đều có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến 2030 là 3.000 đồng bao. Do vậy, tỷ lệ tăng giá bán xuất xưởng (VAT) và giá bán lẻ vào so với hiện tại chỉ từ 4 - 20% là phù hợp với đặc điểm sản phẩm thuốc lá hợp pháp.
Chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ quốc tế, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam dẫn chứng, tại Đức trong giai đoạn 2002 - 2005, thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, khiến người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% và NSNN bị trì trệ.
Tại Việt Nam, kịch bản trên có thể xảy ra, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh. Theo tính toán, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại. Cùng với đó, thuốc lá lậu sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ điếu vào năm 2030, dẫn đến thất thu thuế từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40.000 tỷ đồng (so với mức 5.000 - 6.000 tỷ đồng hiện tại). Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa tương tự như tại Malaysia.
Đề cập đến thực trạng quản lý thuốc lá lậu tại Việt Nam, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp, với 59.639 vụ bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao thuốc lá lậu bị tiêu hủy trong giai đoạn 5 năm (2019 - 2023). Việc tăng thuế TTĐB nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách, nhưng nếu thuế suất tăng đột ngột sẽ khiến giá bán của sản phẩm hợp pháp cao; đẩy người tiêu dùng tìm đến thuốc lá lậu thay thế. Chính sách thuế cần được điều chỉnh hợp lý để hạn chế buôn lậu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam:
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất mục tiêu ban hành Luật thuế TTĐB với phương pháp hỗn hợp, vừa tính thuế theo phương pháp tương đối và tuyệt đối, hướng tới mục tiêu tăng thuế, nhằm góp phần giảm thiểu người hút thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, lợi ích của NSNN, lợi ích của chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất từ các khâu nguyên liệu, sản xuất, logistics… Tuy nhiên, không thể có một phương án đảm bảo trọn vẹn lợi ích của cả người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, lựa chọn phương án, lộ trình tăng thuế khả thi để đạt được mục tiêu đề ra.