Tăng hiệu quả nhờ hợp tác công tư

Sự tham gia của khu vực tư nhân cùng Nhà nước trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP) đang được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng được nhiều cơ hội thành công.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Dự án trạm trung chuyển cá của Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được xem điển hình thành công của dự án PPP trong phát triển thủy sản bền vững. Hiện trạm đang cung cấp 70 - 80% lượng thủy hải sản an toàn và chất lượng cao cho 19 trung tâm Metro cả nước. Tại đây có sự phân chia cụ thể như: doanh nghiệp chủ động kết nối tìm hiểu nhu cầu thị trường, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm những giải pháp phù hợp; cơ quan nhà nước sẽ định hướng không chỉ giúp cho doanh nghiệp trong sản xuất mà còn cho nông dân tham gia dự án... Ngoài ra, nhờ làm tốt sự phối hợp giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước - khách hàng và các bên liên quan đã tạo nên một thể thống nhất để phát triển cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Nhờ tham gia mô hình hợp tác đối tác công tư, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công.

"Đây không chỉ là mô hình hiệu quả về mặt kinh tế cho doanh nghiệp mà còn giúp nhà nước trong xây dựng, quản lý dự án nông nghiệp. Đặc biệt, nông dân còn được hưởng lợi từ việc tiếp cận các khóa đào tạo về sản xuất hiện đại, được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia, có đầu ra ổn định và nhiều lợi ích khác", ông Phùng Giang Hải, Trưởng Bộ môn thể chế nông nghiệp thuộc trung tâm thông tin (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết.

Các doanh nghiệp cho hay, nhờ áp dụng PPP mà nhiều doanh nghiệp có điều kiện tham gia hội chợ quốc tế, đi xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Sau mỗi chuyến đi, 100% doanh nghiệp giới thiệu được hàng hóa với khách hàng và khoảng 10% đã tìm được đối tác ký hợp đồng ngay tại hội chợ. Riêng tại thị trường trong nước, thông qua các chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng về nông thôn… doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cùng tổ chức những phiên chợ và hội nghị giao thương giới thiệu hàng hóa, mở đại lý phân phối hàng tại nhiều tỉnh.

"Cách làm này rất hiệu quả, thiết thực, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế về quy mô, nguồn lực, kinh nghiệm phát triển thị trường… Nhờ tham gia PPP, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ, hợp lực cả về nguồn lực, kỹ năng để phát triển thị trường cho sản phẩm của mình", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay.

Nhân rộng mô hình

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, có khoảng 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng gặp nhiều khó khăn khi mua hàng nội địa qua trung gian, nguyên nhân do hàng nội hiện hầu hết phụ thuộc vào khâu logistics. Trong khi đó, mức chi phí cho khâu này ở Việt Nam cao gấp 3 lần so với Mỹ, hơn 2 lần so với Nhật và gần 1,5 lần so với Thái Lan. Chính điều này đã làm cho hàng hóa trong nước giảm sức cạnh tranh, người tiêu dùng khó có cơ hội tiếp cận rộng rãi nguồn hàng phong phú từ các doanh nghiệp Việt.

"Đánh giá của chúng tôi, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong khâu phân phối đang tăng dần. Do chính sách pháp lý thiếu đồng bộ, thời gian dài hầu hết doanh nghiệp nội phải tự tìm đường tiếp cận khách hàng mà thiếu sự hỗ trợ từ các nhà làm chính sách. Trong bối cảnh đó, PPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình, dự án để đưa hàng hóa ra thị trường", bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận xét.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết áp dụng hình thức PPP đang là một xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, sự tham gia gắn kết giữa Nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ lợi ích, mà còn làm giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, cũng như giảm bớt những áp lực chi ngân sách nhà nước, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua PPP, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

"Với mục đích tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển của nhà nước trong quá trình cải cách khu vực công, đây là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ. Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức PPP và Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài xu hướng. Gắn với việc phát triển thị trường, áp dụng một cách bài bản mô hình PPP sẽ đạt được nhiều lợi ích quan trọng khi nhà nước giảm được áp lực chi ngân sách đầu tư mà vẫn phát triển thị trường, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm của mình", bà Thao nói thêm.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Dự án hợp tác công tư giúp "giải khát" cho cây cà phê
Dự án hợp tác công tư giúp "giải khát" cho cây cà phê

Ngày 6/4 tại Buôn Ma Thuột, Tập đoàn Nestlé đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý đưa ra các khuyến nghị nhằm giảm tác động xấu của tình trạng khô hạn đến sản xuất cà phê. Theo đó, có thể giảm ít nhất 30% lượng nước tưới mà vẫn đảm bảo năng suất cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN