Tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trong chuyến thăm, động viên hoạt động sản xuất nông nghiệp đầu xuân tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã chiều ngày 2/2.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng thăm khu sản xuất rau, quả an toàn của Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Ghi nhận tại Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc) - đơn vị tiêu biểu trong sản xuất rau, quả an toàn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho thấy, đơn vị hiện có 174 thành viên đang sản xuất 37 ha diện tích rau màu theo tiêu chuẩn VietGap. Hoạt động của hợp tác xã là quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và tìm kiếm đầu ra sản phẩm cho các thành viên.

Nhờ liên kết với Viện cây lương thực và thực phẩm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp vật tư uy tín nên các thành viên yên tâm, làm ra sản phẩm có chất lượng, được nhà phân phối đánh giá cao. Hợp tác xã cũng liên kết với các siêu thị lớn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Năm 2022, lợi nhuận hợp tác xã thu được đạt gần 1,8 tỷ đồng, nâng cao đời sống và thu nhập cho các thành viên.

Đến thời điểm này, Hợp tác xã Tân Minh Đức đã triển khai được trên 120.000 m2 nhà màng để sản xuất rau, quả. Theo đại diện lãnh đạo Hợp tác xã, sản xuất ứng dụng công nghệ cao thể hiện rõ hiệu quả của việc liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và nhà doanh nghiệp). Mỗi sào đất canh tác sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng/sào (360 m2/sào).

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng thăm Trại ấp trứng gà giống của Công ty TNHH Dừa Quyên, huyện Gia Lộc. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tại Công ty TNHH giống gia cầm Dừa Quyên tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc ghi nhận, trang trại đầu tư hiện đại đang nuôi 3,5 vạn gà sinh sản cùng 14 máy ấp trứng. Mỗi năm cơ sở này cung ứng trên 18 triệu con giống gia cầm chất lượng cao cho thị trường. Công ty đã và đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Theo UBND huyện Gia Lộc, giá trị sản phẩm thu hoạch trên mỗi ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện năm 2022 đạt 246 triệu đồng, tăng 8% so với năm 2021. Huyện đang quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, duy trì các vùng chuyên canh lúa, rau màu an toàn theo tiêu chuẩn VietGap gồm 26 vùng gieo cấy lúa tập trung với tổng diện tích 553 ha và 41 vùng rau màu tập trung có diện tích 600 ha. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của Gia Lộc năm 2022 đạt 200.000 m2, tăng 50.000 m2 so với năm 2021. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản của Gia Lộc tăng 4,7% so với năm 2021.

Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và những biến động tình hình thế giới, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất, đặc biệt về ứng dụng công nghệ cao.

Khẳng định Gia Lộc là địa phương sản xuất rau màu chất lượng cao và cũng là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về giá trị sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ cao và liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi có thể giúp nông dân làm giàu. Hợp tác xã, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, phúc lợi cho người lao động, chú trọng quảng bá, phân phối để nâng giá trị và gia tăng lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp.

Ông Triệu Thế Hùng cũng đề nghị các sở, ban, ngành tiếp thu kiến nghị của hợp tác xã, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trong phát triển, mở rộng sản xuất. Liên minh hợp tác xã tỉnh quan tâm đồng hành cùng nông dân trong việc thực hiện hiệu quả liên kết chuỗi với quy trình từ giống, vật tư đến tiêu thụ và đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch, giúp nông sản Hải Dương phân phối rộng rãi tới nhiều địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Gia Lộc căn cứ các nội dung Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường.

Mạnh Minh (TTXVN)
Đồng Nai: Tiềm năng dồi dào cho phát triển nông nghiệp
Đồng Nai: Tiềm năng dồi dào cho phát triển nông nghiệp

Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với02 mùa tương phản nhau là mùa nắng và mùa mưa, khí hậu ôn hòa. Diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2 và dân số gần 3,2 triệu người, trong đó có hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn đã cho thấy tiềm năng phất triển nông nghiệp của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN