Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Giai đoạn 2016-2020, áp lực phải tăng chi dự kiến rất lớn như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, chi trả các khoản nợ đến hạn, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành trong khi nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khó có khả năng tăng mạnh để đủ đáp ứng nhu cầu tăng chi.
Vì vậy, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất- kinh doanh để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế tạo nguồn thu NSNN ổn định, bền vững; triệt để tiết kiệm chi NSNN.
Trong 6 tháng đầu năm, chi NSNN đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi NSNN từ đầu năm đến nay bằng 43,8% dự toán năm. Bộ Tài chính sẽ giữ bội chi NSNN năm 2015 ở mức Quốc hội đã quyết định là 5,0% GDP.
Để quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo khả năng trả nợ, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo không vượt mức trần cho phép (65%GDP); mở rộng các hình thức vay ngoài nước để huy động các khoản vốn dài hạn, lãi suất phù hợp với thị trường cho cân đối NSNN; rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương.
Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng vốn vay thời gian qua đã được thực hiện đúng mục đích (trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng; phần còn lại được đưa vào NSNN chi cho đầu tư phát triển 1,5% và chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết 0,4%); trả nợ đúng hạn không để phát sinh nợ xấu.