Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố công khai trước Quốc hội về tình hình nợ công của Việt Nam, có luồng dư luận bày tỏ lo ngại nợ công của nước ta tăng nhanh, đang ở ngưỡng nguy hiểm, đe dọa nền tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô. Nhưng thông điệp từ lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành chức năng khiến dư luận phần nào giải tỏa sự hoài nghi và tỏ thái độ đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiểm soát chặt nợ công và thực hiện trả nợ đúng cam kết.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ công bố vấn đề nợ công trước Quốc hội, mà từ nhiều kỳ họp trước, các số liệu về nợ công đã được trình cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Lần giở lại lịch sử, khái niệm nợ công thực sự có ý nghĩa đối với hệ thống quản lý tài chính Việt Nam từ năm 2010, khi Luật Quản lý nợ công chính thức có hiệu lực. Trước đó, các chỉ tiêu quản lý khác là nợ Chính phủ hay nợ quốc gia đều ở mức khá thấp (31-38% GDP) và chỉ thực sự tăng mạnh từ năm 2009, khi Việt Nam tích cực đi vay để kích cầu. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội cho thấy, đến cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam bằng 54,2% GDP (trong đó, nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP.
Dự kiến cuối năm 2014, nợ công bằng khoảng 60,3% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%). Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Như vậy, vấn đề về nợ công đã rõ ràng, minh bạch và quan trọng là Chính phủ đã chứng minh được đồng tiền đó đã được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả.
Vấn đề không phải bàn cãi, nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.
Lý giải về tình trạng nợ công tăng nhanh, Báo cáo của Chính phủ đã phân tích nguyên nhân do thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có nhiều khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tập trung nguồn vốn ngân sách và huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng; dành thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương. Mặt khác, cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 mới đây, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh đến các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép, sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.
Thông điệp từ Thủ tướng cho thấy, Chính phủ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ; đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Quốc gia trong giới hạn cho phép.
Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng đã được Chính phủ đề cập, đó là kiên quyết cắt giảm chi tiêu thường xuyên, tránh lãng phí, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết.
Yến Nhi