Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Kiểm soát tốt nợ công, quản lý chặt vốn ODA

Theo các đại biểu Quốc hội, tình hình kinh tế xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay giảm, chủ quyền của đất nước được bảo vệ, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn nên đây là thời điểm cần đẩy mạnh cải cách kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách


Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Đánh giá báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế có nhiều khả quan, lãi suất giảm, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Về mặt chính trị, Việt Nam đã quyết liệt đấu tranh, bảo vệ được chủ quyền quốc gia trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, tình hình đất nước vẫn tồn tại nhiều khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng đây là thời điểm tốt để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp là khâu then chốt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở, khi tăng trưởng tăng dần. Nhưng nhìn về tiềm năng 20 năm (1991-2010) với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, 90 triệu dân, chính trị ổn định… tăng trưởng trong 4 năm qua chỉ khoảng 5,7% là dưới tiềm năng”.

Về giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Phải có chính sách đồng bộ, quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...”.

Đặc biệt, “Doanh nghiệp, người dân hiện rất sợ thủ tục hành chính. Do vậy, cần đẩy nhanh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trú trọng cải cách con người hành chính, hiện nay đang hành dân rất nhiều. Các cơ quan hành chính cần xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc làm thủ tục hành chính, không đòi hỏi doanh nghiệp phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi,”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu: “Vì sao việc khắc phục thủ tục rườm rà chưa có hiệu quả; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu diễn ra ở hầu hết các cấp, các ngành; tinh giản bộ máy nói rất nhiều nhưng chưa hiệu quả… Đây là nội dung Chính phủ cần làm rõ”.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) kiến nghị: “Cần kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu… nâng cao đời sống cho người dân”.

Chìa khóa để phát triển bền vững


Các đại biểu cho rằng, tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt, nhưng tài nguyên về con người thì không bao giờ cạn kiệt. Nhật Bản là nước không có tài nguyên thiên nhiên nhưng lại là nước phát triển. Do vậy, nếu Việt Nam có chiến lược đào tạo tốt, thì nguồn nhân lực chính là chìa khóa để phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng: “Năng suất lao động thấp chính là “hòn đá tảng” cản trở tăng trưởng của Việt Nam, khi mà chúng ta đang bước sâu hơn vào hội nhập quốc tế. Hiện nay, 50% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, nên năng suất lao động thuộc hàng thấp nhất châu Á, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần. So với khối Đông Nam Á (Asean), chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan”.

Trong khi đó, cuối năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế Asean có hiệu lực, cho phép nguồn lao động có tay nghề ở 10 nước thành viên được di chuyển tự do trong khối. “Yếu tố giá rẻ không còn đủ sức giúp lao động Việt Nam cạnh tranh ngay trên sân nhà. Do vậy, phải tái cơ cấu nguồn nhân lực, vì nguồn nhân lực có chất lượng chính là chìa khóa cho phát triển bền vững”, đại biểu Thường khẳng định.

Thực tế, hiện lao động Việt Nam đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, làm việc trong nông nghiệp lớn, ngành này chỉ bằng 45% năng suất so với các lĩnh vực khác như: công nghiệp, dịch vụ...

“Điều lo ngại là thị trường lao động Việt Nam dù đang phát triển cả về lượng và chất, song vẫn còn những nghịch lý, đó là tình trạng vừa thiếu hụt bộ phận lao động chuyên nghiệp có trình độ cao, nhất là các chuyên gia và nhà quản lý cao cấp, vừa đang dư thừa lượng lớn lao động xã hội. Trong đó khoảng 25 đến 30% công chức, viên chức khu vực nhà nước có chất lượng thấp, không hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng lại khó tinh giản hoặc bố trí việc khác”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhận xét.

Cần kiểm soát tốt nợ công


Một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần thắt chặt hơn nữa quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn này, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số ý kiến kiến nghị Chính phủ cần kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đánh giá, hiện nay, nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA ở nước ta không được quản lý tốt, dẫn đến nhiều vi phạm, gây mất uy tín với nước ngoài (nước cho vay ODA). Đại biểu khẳng định, cần có ý thức "tốt nghiệp ODA" thì mới sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, hạn chế vay, dần tránh lệ thuộc vào vốn ODA vì quốc gia nào còn phụ thuộc vốn ODA thì khó phát triển bền vững.

Đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn, Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá, coi trọng các hệ quả của vay vốn ODA, đặc biệt, khi nước ta bước ra khỏi danh sách các nước kém phát triển thì đã hết được hưởng lãi suất ưu đãi. Đây không phải là khoản vốn được nước ngoài cho không, vay được càng nhiều càng tốt như tư duy của một số lãnh đạo địa phương. Hiện nay, việc vay ODA ở một số nơi, một số dự án còn gắn với tư duy thành tích, nhiệm kỳ, thậm chí chạy dự án. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần công khai, minh bạch toàn bộ số vốn vay ODA, các dự án sử dụng vốn ODA và có cơ chế, chính sách để đại biểu Quốc hội và cả người dân tham gia ý kiến và giám sát.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lưu ý, trong thời gian tới, Chính phủ cần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông dòng vốn trong kinh tế cũng như việc điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô.

Nêu quan điểm về trần nợ công quốc gia, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết xử lý bất cập cho năm 2015: Nợ công hiện là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới, nước ta đang ở mức trung bình; vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy còn thấp; cơ cấu chi chưa thật tốt, 67% chi thường xuyên, 33% chi đầu tư phát triển, trả nợ thực sự chưa ổn, nên quyết liệt hơn cố gắng giảm chi thường xuyên khoảng 10% nữa cho chi đầu tư phát triển và trả nợ.

Về nợ xấu và quản lý nợ xấu, đại biểu cũng cho rằng: Công ty mua bán nợ xấu VAMC sau 1 năm hoạt động đã mua lại số nợ xấu trị giá 86.000 tỷ đồng; Ngân hàng cũng đã tự trích lập 78.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu, đây là nỗ lực lớn của ngân hàng trong việc dồn sức xử lý từ nội lực của mình, song điểm thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu.

Chủ tịch UBTƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân:

Nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người dân

Năng suất lao động (NSLĐ) của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng NSLĐ của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp -xây dựng và Dịch vụ.

Theo tính toán của chúng tôi, năm 2014 NSLĐ khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn NSLĐ khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và NSLĐ của người nông dân.

Trong nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả, NSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi xin nhấn mạnh 1 nhóm giải pháp như sau:

Phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từ: “Hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân - Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là “Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất - Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao -Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”.

Một nước Việt Nam còn nghèo với thu nhập đầu người thấp, NSLĐ thấp (thu nhập do 1 lao động tạo ra thấp) là vấn đề đã đặt ra với nước ta từ năm 1975. Sau gần 40 năm, NSLĐ đã tăng đáng kể, nước ta đã thoát nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể bằng lòng với mức thu nhập đầu người (GDP/người dân) ở mức hơn 2.000 USD năm 2014 hay dự báo 3.500 - 4.000 USD vào năm 2020. Đường lối phát triển đất nước của Đảng, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và các Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, trong đó xem giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, cùng với sự cần cù, sáng tạo của mỗi người lao động Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam, mỗi người nông dân Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Tôi xin đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, khi bàn về việc làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả cao hơn, hãy hỏi 5 câu hỏi: người lao động được đào tạo ở đâu, khoa học công nghệ ở đâu, vốn từ đâu, đất ở đâu và thị trường ở đâu; chứ không phải dừng lại ở 2 câu hỏi: vốn từ đâu và đất ở đâu. Thay đổi mô hình tư duy và mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng NSLĐ, tăng thu nhập cho mỗi người lao động và đất nước Việt Nam của chúng ta!


Hữu Vinh - Quang Vũ

Bên lề quốc hội
Bên lề quốc hội

Bên lề kỳ họp, các đại biểu tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN