Tăng cường hợp tác Việt Nam - Bỉ trong lĩnh vực cảng biển

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống cảng biển.

Chú thích ảnh
Đại diện Tập đoàn Khu Công nghiệp DEEP C của Bỉ giới thiệu hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ

Trong những năm qua, hạ tầng ngành hàng hải, đặc biệt là hạ tầng cảng biển có vai trò rất quan trọng, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, vừa tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đây cũng là nội dung hội thảo "Cảng thông minh và Logistics tại Việt Nam" diễn ra ngày 12/6 tại thành phố cảng Anvers của Bỉ. Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ phối hợp với Liên minh Bỉ-Việt (BVA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư vùng Flanders (FIT) và Tập đoàn The Beacon tổ chức.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, sự kiện trên là hoạt động có ý nghĩa, nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực cảng biển và logistics giữa Việt Nam và Bỉ, cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9 tới của Thủ hiến vùng Flanders, ông Jan Jambon, cùng đoàn doanh nghiệp Bỉ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt- Bỉ.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự tham dự của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và vùng Flanders, trong đó có Hội Cảng - Đường Thủy - Thềm lục địa Việt Nam (VAPO), Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), công ty Xuân Cầu Holdings, ICE LOFT, DEEP C...

Phát biểu với tư cách khách mời, Thủ hiến vùng Flanders, ông Jan Jambon nhận xét Việt Nam và Flanders có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt đều có thế mạnh về cảng biển với những cảng biển lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển đất nước. Ông Jan Jambon nhấn mạnh mặc dù thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa khai thác, cũng như cần tận dụng cơ hội mới từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Hiện nay, vùng Flanders là nhà xuất khẩu lớn thứ 16 trên thế giới với giá trị hàng hóa chiếm tới 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các cảng của Bỉ có thế mạnh về số hóa và vận tải đa phương thức, qua đó có thể hỗ trợ Việt Nam tối ưu hóa việc phát triển cũng như vận hành cảng biển để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong thời kỳ số hóa nhanh chóng. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu nghe giới thiệu về tiềm năng cảng biển Việt Nam. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhất trí với ý kiến của Thủ hiến Jan Jambon về tiềm năng hợp tác hai bên trong lĩnh vực cảng thông minh và logistics - lĩnh vực Bỉ có thế mạnh vượt trội và Việt Nam có nhu cầu hợp tác cao, cũng như đánh giá cao quyết tâm của chính quyền vùng Flanders trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ưu tiên này.

Nhấn mạnh lợi thế địa lý và vị trí chiến lược của Việt Nam trong mạng lưới giao thương hàng hải quốc tế, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ về tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống cảng biển và trung tâm logistics ở Việt Nam, không chỉ gia tăng giao thương cho Việt Nam mà còn thúc đẩy tăng trưởng thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng. Đại sứ đề nghị các nhà đầu tư Bỉ có công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực cảng biển và logistics hợp tác với các đối tác Việt Nam để tăng cường thương mại song phương vì lợi ích đôi bên.  

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Bỉ và Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về các cơ hội cảng biển và logistics tại Việt Nam, cũng như những thách thức hiện tại, để có thể biến thành cơ hội và truyền cảm hứng cho sự đổi mới trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch VAPO đã giới thiệu về hệ thống cảng biển Việt Nam, quá trình phát triển của hệ thống cảng Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tuấn, đại diện Cục Hàng Hải Việt Nam đã chia sẻ các cơ hội và thách thức đối với hệ thống cảng và logistics Việt Nam.

Về phần mình, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam như VIMC, Tập đoàn Xuân Cầu đã chia sẻ về kế hoạch phát triển của đơn vị và kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực cảng, vận tải biển cũng như logistics.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Geer Dom, Giám đốc khu vực châu Âu và Mỹ của Khu công nghiệp DEEP C cho biết Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển và logistics. Nền kinh tế Việt Nam năng động, tăng trưởng mạnh là thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. DEEP C đã có mặt ở Việt Nam từ 20 năm nay và phát triển cùng đất nước. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA càng tạo thêm nhiều thuận lợi cho sự phát triển của DEEP C, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Chú thích ảnh
 Ông Jan Jambon, Thủ hiến vùng Flanders, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hương Giang/PV TTXVN tại Bỉ

Ông Marc van Bouwel, Tổng Giám đốc Công ty ICE-LOFT - một doanh nghiệp Bỉ chuyên cung cấp các giải pháp hậu cần chuỗi lạnh thông minh đa dạng để lưu trữ trái cây và rau quả đông lạnh, cho hay công ty đang tiến hành hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng kho đông lạnh để bảo quản và vận chuyển trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu sang châu Âu bằng container. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một vựa trái cây đa dạng, cung cấp hoa quả nhiệt đới chất lượng cao. Giải pháp hậu cần chuỗi lạnh thông minh của công ty giúp bảo quản, kéo dài và đảm bảo chất lượng của nông sản tươi cung cấp đến người tiêu dùng.

Vị trí địa chiến lược của Việt Nam tạo ra lợi thế rất lớn trong vận tải biển và cơ hội to lớn cho ngành vận tải biển và logistics đến từ 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có EVFTA. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ, đây là thời gian chín muồi để hai bên phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, trong đó có hợp tác cảng biển và logistics.

Hương Giang - Duy Tùng (TTXVN)
'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường
'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN