Tận dụng lợi thế cao tốc Hà Nội-Lào Cai để kích cầu du lịch

Không chỉ thường xuyên "cháy" phòng nghỉ mà Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai... còn thường xuyên "cháy" một số mặt hàng nông sản đặc sản hàng hóa do lượng khách tăng đột biến sau khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng quý IV/2014.

Ông Lù Văn Khuyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa cho biết: 6 tháng qua, lượng khách du lịch tăng gần 30% so với cùng kỳ, dẫn đến các dịch vụ và lượng hàng hóa - nhất là nhóm hàng nông sản có tính đặc sản địa phương như cá hồi, cá tầm, mận hậu, đào Sa Pa, thuốc tắm được chiết xuất từ thảo dược, lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Còn Ông Trịnh Xuân Trưởng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa chia sẻ: Mặc dù dự báo lượng khách sẽ tăng cao sau khi hoàn thành đường cao tốc, huyện đã có kế hoạch "ứng phó" nhưng cục bộ ở một thời điểm cụ thể, tình trạng thiếu phòng nghỉ, hiếm thực phẩm và các sản phẩm đặc hữu theo nhu cầu của khách vẫn xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu tốt để kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con, kích thích sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân Bắc Hà thu hoạch mận Tam Hoa. Ảnh: TTXVN


Theo Phòng Kinh tế huyện Sa Pa, trong vòng một tháng nay, các chủ nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm ở Sa Pa không đủ nguồn cung cho thị trường mặc dù giá cao gấp 1,5 lần trước đó (từ 220.000 đồng lên 300.000/kg). Các loại trái cây như mận hậu, đào, lê Sa Pa tiêu thụ mạnh với giá tăng từ 8.000 đến 10.000 đồng so với năm trước.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho rằng, do việc khai thác hoa quá mức vào dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phát triển nóng về xây dựng nên diện tích trồng đào, mận Sa Pa gần đây bị thu hẹp. Mùa mận, đào ở Sa Pa năm nay chỉ thu hoạch trong thời gian ngắn 10 ngày nên nhiều du khách muốn mua số lượng vài ba trăm cân về làm quà cũng không thể đáp ứng. Ngay như quả lê mặc dù chưa vào chính vụ nhưng cũng đã có khách hàng đến đặt cọc mua.

Cây dược liệu atiso, nhất là tinh dầu chiết xuất từ lá thuốc người Dao trước đây tiêu thụ chậm nhưng nay giá tăng từ 10% - 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngay như lá, củ, thân của cây atisô trước đây chỉ để nhập cho nhà máy chế biến nay cũng bán được cho khách du lịch làm quà.

Tại Bắc Hà, các phiên chợ cuối tuần lượng khách cũng tăng đột biến từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đó, hàng hóa nông sản, dịch vụ ăn uống, khách sạn nhà hàng cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, huyện Bắc Hà đã đưa chợ đêm vào hoạt động hai ngày nghỉ cuối tuần. Huyện cũng đang có chương trình quảng bá, mở rộng các tuyến du lịch bản làng từ thị trấn trung tâm đến các xã Bản Phố, Tả Van Chư; du lịch sinh thái khám phá cảnh quan dọc sông Chảy…

Ông Vũ Đức Mỹ, một khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, ông xuất phát từ Hà Nội bằng ô tô 7 chỗ ngồi lúc 6 giờ sáng, đến thành phố Lào Cai khoảng hơn 10 giờ - mất gần 4 tiếng, giảm được 1/2 thời gian trước khi có đường cao tốc. Lên Lào Cai dễ dàng như vậy, ngoài đi tham quan du lịch, ông cũng rất thích mua những sản phẩm đặc hữu của Lào Cai về làm quà. Tuy nhiên, đào, lê Sa Pa, hoa quả Bắc Hà gần đây cũng hiếm.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy lợi thế đường cao tốc, Lào Cai còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng nhà hàng khách sạn, dịch vụ ăn, nghỉ còn phải tính đến việc mở rộng và đầu tư quy hoạch các vùng cây ăn quả, cơ sở chăn nuôi, chế biến, đảm bảo nguồn thức ăn sạch phục vụ du khách. Đồng thời tỉnh cũng cần có những địa điểm dịch vụ đóng gói, sản xuất và bán hàng lưu niệm mang thương hiệu Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

VT (TTXVN)
Lào Cai: Đa lợi ích từ phát triển du lịch cộng đồng
Lào Cai: Đa lợi ích từ phát triển du lịch cộng đồng

Do làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, nên dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, ngoài Sa Pa, các khu du lịch trong tỉnh Lào Cai như Bắc Hà, TP Lào Cai, Bát Xát và Mường Khương - Si Ma Cai cũng thu hút lượng du khách đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN