Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Triển vọng và xu hướng ngành trang trí nội - ngoại thất tại thị trường EU" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức ngày 10/5.
Bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh, Giám đốc Quan hệ đối tác Việt Nam CCIFV cho biết, thị trường EU đòi hỏi phong cách và xu hướng đa dạng, thay đổi liên tục. Có rất nhiều phong cách trong trang trí và thiết kế nội thất tại EU, có thể kể đến như phong cách hiện đại với những sản phẩm kết hợp sự độc đáo và đổi mới phù hợp với lối sống thành thị, các sản phẩm cao cấp, mang đậm màu sắc dân tộc với số lượng giới hạn. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều người chuyển sang làm việc tại nhà dẫn đến nhu cầu cải tiến không gian làm việc tại nhà tăng theo. Người tiêu dùng EU cũng ưu tiên cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm việc thông minh, linh hoạt nhiều chức năng.
Cùng với nhu cầu làm việc tại nhà, người dân EU cũng thay đổi thói quen sinh hoạt, nấu ăn tại nhà nhiều hơn, trẻ em ở nhà thường xuyên làm cho nhu cầu về nội thất nhà bếp, đồ dùng gia đình và trẻ em gia tăng theo. Đây là cơ hội để các mặt hàng này tiếp cận và gia tăng thị phần.
Theo bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (VIETS.Co), sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng đồ trang trí nội - ngoại thất tại EU đã phục hồi. Trong khi đó so với các nhà cung ứng khác, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất, được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà mua hàng quốc tế, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Hồng Quang, khác với thị trường Mỹ thường chọn các sản phẩm cơ bản và có vòng đời dài thì thị trường EU đề cao phóng cách riêng và các xu hướng mới liên tục thay đổi. Do đó, để khai thác được thị trường này, doanh nghiệp phải có đủ năng lực phát triển, cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã, tính năng sản phẩm thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo tính bền vững như nguồn gốc, chứng nhận gỗ, tác động môi trường, lao động của doanh nghiệp.
Bà Lê Uyên Thanh Ngọc, Quản lý cấp cao phát triển kinh doanh Bureau Veritas Consumer Product Sevices lưu ý, các nhà xuất khẩu muốn thâm nhập thị trường EU phải nắm rõ tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khoẻ và vệ sinh. Với những sản phẩm gia dụng càng phải lưu ý các quy định mức độ an toàn khi sử dụng, sử dụng hoá chất (sơn, phủ) kể cả trên vật liệu đóng gói.
Theo bà Lê Uyên Thanh Ngọc, do khoảng cách địa lý và những khác biệt về môi trường, thời tiết giữa Việt Nam và EU, nhà sản xuất cần đặc biệt chú ý khâu đóng gói nhằm hạn chế các rủi ro hỏng hàng do va đập, nhiệt độ cao, ẩm ướt...
Các chuyên gia đều nhấn mạnh, thị trường EU rất đa dạng, người dân EU quan tâm tới đặc tính của hàng hoá, giá trị tiêu dùng và thói quen tiêu dùng. Thêm nữa, cơ cấu kinh doanh và phân phối cũng như tập quán kinh doanh có thể khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn một thị trường của EU cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có chiến lược. Cụ thể, hoạt động chiến lược phải dựa trên kết quả nghiên cứu của việc đánh giá thị trường và bản thân doanh nghiệp. Cơ hội và điểm mạnh phải được tối ưu hoá trong khi nguy cơ và điểm yếu phải biến thành điểm mạnh.
Nói cách khác, sau khi đã nghiên cứu về thị trường có triển vọng nhất, phải tự đánh giá năng lực xem có thể đáp ứng yêu cầu khách hàng và duy trì vị thế trên thị trường đã được lựa chọn hay chưa. Cơ hội và thách thức trên thị trường sẽ được so sánh với ưu khuyết điểm của doanh nghiệp. Phải xem xét một số yếu tố gồm đặc điểm sản phẩm, thiết bị sản xuất, chất lượng, bao bì, năng lực và nhân viên, hệ thống quản lý và chất lượng, năng lực tài chính và kinh nghiệm xuất khẩu.