Lũ chồng lũ, bão chồng bão, sạt lở đất và lũ quét liên tiếp xảy ra làm 52 người chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, suất xuất nông, lâm và ngư nghiệp bị bão lũ tàn phá đặc biệt nghiêm trọng.
Địa phương này vẫn chưa thể thống kê hết được thiệt hại từ bão lũ, do nhiều xã ở vùng miền núi còn bị chia cắt cô lập, uớc tính thiệt hại ban đầu đã lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Công cuộc tái thiết sau lũ lớn lịch sử ở Quảng Trị đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết, để từng bước ổn định cuộc sống người dân. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có chùm 3 bài viết về vấn đề này.
Bài 1: Cấp bách khôi phục sản xuất nông - ngư nghiệp
Khôi phục sản xuất nông – ngư nghiệp sau bão lũ đang được bà con nông dân và các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị xem là cấp bách nhất, nhằm sớm tạo thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, qua đó từng bước ổn định cuộc sống.
Lũ chồng lũ, bão chồng bão
Tỉnh Quảng Trị có hơn 70% số dân sinh sống ở vùng nông thôn với nghề chính là làm nông, lâm và ngư nghiệp. Những trận lũ lụt lịch sử đặc biệt lớn vừa qua xảy ra ở thời điểm, bà con nông dân vừa thu hoạch xong lúa Hè Thu 2020. Lúa đã được bà con mang về bảo quản, cất trữ cẩn thận trong nhà.
Nhiều hộ chăn nuôi lợn đang tái đàn để kịp bán vào dịp Tết Tân Sửu 2021, sau khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành thời gian dài đã được khống chế. Những người chăn nuôi gia cầm cũng vừa thả nuôi lứa mới để kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Hàng nghìn hộ dân đang có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định từ những vườn rau, củ, quả tươi tốt. Còn những hộ nuôi trồng thủy sản cũng sắp thu hoạch tôm, cá trước khi tạm nghỉ nuôi để tránh mùa đông giá rét.
Thế nhưng, khung cảnh thanh bình và sung túc ở vùng nông thôn Quảng Trị bỗng chốc trở nên hoang tàn, sau những trận lũ đặc biệt lớn cứ cuồn cuộn đổ về và cuốn phăng đi mọi thứ. Hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng là vùng trọng điểm sản xuất lúa ở Quảng Trị.
Lúa Hè Thu 2020 được mùa, bà con nông dân thu hoạch xong cẩn thận cất trữ từng bao tải lúa ở chỗ cao nhất trong nhà, để đề phòng ngập lụt như mọi năm. Nhưng bà con cũng không thể ngờ được, năm nay lũ lụt lại diễn ra nhiều và lớn đến thế. Lũ lớn tràn về, vùng sản xuất lúa Triệu Phong và Hải Lăng ngập sâu từ 2 đến hơn 3m, khiến người dân chỉ kịp thoát thân. Còn lúa mới thu hoạch và tài sản khác cất trữ trong nhà, đều bị nước lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm trong biển nước suốt nhiều ngày nên hư hỏng hoàn toàn.
Bà Lý Thị Mỹ Lan ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng kể: “Những ngày bị nước lũ ngập sâu gần hết nóc nhà, cả gia đình may mắn thoát ra được nên còn giữ được mạng sống. Bao nhiêu lúa mới thu hoạch xong và tài sản cất trữ trong nhà, đều đã bị ngập trong nước nhiều ngày nên hỏng hết”.
Với nhiều xã ở ven lưu vực các sông Thạch Hãn đoạn huyện Triệu Phong, sông Ô Lâu đoạn qua huyện Hải Lăng, sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ có thế mạnh về sản xuất lúa chất lượng cao thì thiệt hại lớn nhất là hàng nghìn tấn lúa, trị giá hàng chục tỷ đồng bị nước lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh có đến trên 50.700 tấn lúa bị lũ cuốn trôi hoặc ngập lụt khiến hư hỏng gần như toàn bộ, trên 1.620 ha đất nông nghiệp bị đất cát vùi lấp.
Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi trở lại vùng “rốn lũ” Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ vẫn ngửi thấy mùi hôi đặc trưng từ cây cối, hoa màu bị ngập úng và chết. Ở những bụi cây hay kênh mương vẫn còn xác gà, vịt chết do lũ lụt.
Ông Nguyễn Xuân Long, thôn Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong nuôi 5.000 con vịt thịt sắp bán ra thị trường thì bị lũ cuốn trôi và chết hết, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Ông Long chia sẻ, ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu 2020, gia đình vay vốn ngân hàng để mua vịt giống về nuôi, nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở những ruộng lúa mới thu hoạch. Nhưng không ngờ lũ lụt năm nay quá lớn, cuốn trôi toàn bộ số vịt và chuồng trại khiến gia đình trắng tay, tiền nợ ngân hàng hàng chục triệu đồng không biết khi nào mới trả được.
Chỉ tính riêng xã Triệu Trung đã có tới 17.000 con gà, vịt cùng với 46 con lợn bị lũ cuốn trôi. Còn số lượng gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị lũ cuốn trôi lần lượt lên đến trên 766.000 và 8.700 con.
Tương tự, những hộ trồng rau, củ, quả hay ngô, sắn cũng đã lâm cảnh khánh kiệt sau 5 trận lũ liên tiếp. Lũ rút, bà Hồ Thị Hương Linh ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ ra vườn rau có quy mô 5.000m2 dọn đất cát vùi lấp và đắp bờ ruộng để chuẩn bị gieo cấy lại. Bà Linh chia sẻ, thu nhập của cả gia đình trông vào mảnh vườn trồng các loại rau ngắn ngày như xà lách, rau thơm, rau má, nhưng các trận lụt lớn liên tiếp vừa qua khiến vườn rau bị ngập úng và chết hết. Gần một tháng qua gia đình không có thu nhập, thức ăn hàng ngày nhờ vào hàng cứu trợ của nhà nước và các tổ chức, cá nhân.
Cùng với lúa, gia cầm và gia súc thì sản xuất rau, củ, quả là nghề cho thu nhập chính ở vùng nông thôn Quảng Trị. Thế nhưng các trận lụt vừa qua đã khiến người nông dân mất trắng gần 3.500ha hoa màu; 1.100ha sắn, ngô, chuối và gần 650ha cây ăn quả. Ngoài ra, tỉnh còn có trên 3.330ha rừng bị thiệt hại một phần do bão lũ.
Cùng cảnh ngộ, những người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Quảng Trị cũng đã trắng tay sau lũ lụt. Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là một trong những xã có nghề nuôi tôm, cá phát triển nhất tỉnh Quảng Trị với gần 170ha ao nuôi, nhưng toàn bộ đều đã bị mất trắng do bị ngập sâu trong nước lũ. Ông Nguyễn Văn Trung, xã Vĩnh Sơn chia sẻ: Bà con nuôi tôm trong xã đều đã mất hết. Nước lũ ngập quá sâu không thể làm gì để cứu được tôm, cá trong ao nuôi.
Lũ lụt đã khiến hầu như tất cả gần 1.400 ha ao nuôi tôm, cá sắp cho thu hoạch ở Quảng Trị bị mất trắng. Ngoài việc mất tôm và cá, người nuôi trồng thủy sản còn bị thiệt hại rất lớn về máy sục khí, thức ăn cho tôm cá cũng bị lũ cuốn trôi, ao nuôi bị vùi lấp.
Cùng thời gian xảy ra 5 trận lũ, tỉnh Quảng Trị còn bị ảnh hưởng liên tiếp 2 cơn bão số 8 và 9. Riêng bão số 9 đã làm 3 người bị thương, 54 nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái; 843 nhà bị ngập lụt; gần 200ha rừng trồng và cây lâu năm bị gãy đổ, cùng với hàng trăm con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Bão chồng bão, lũ chồng lũ đã khiến người nông dân ở Quảng Trị lâm cảnh khánh kiệt.
Cần hỗ trợ cây, con giống khẩn cấp
Đã có nhiều năm làm mô hình nông nghiệp tổng hợp bao gồm chăn nuôi lợn và sản xuất rau màu, ông Nguyễn Hữu Chiến, thôn Bích Lộc Tiêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho rằng, sau lũ lớn, bà con nông dân gặp khó khăn nhất là nguồn giống để tái sản xuất và vệ sinh đồng ruộng. Sau lũ, hầu hết ruộng đồng ở vùng thấp trũng đều đã bị đất cát và rác vùi lấp nên bà con mất nhiều công sức, thậm chí phải thuê máy ủi, máy xúc mới có thể dọn dẹp được. Bà con cũng đang rất cần cây, con giống để bắt tay ngay vào sản xuất, sớm có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết, mong muốn nhất của bà con nông dân hiện nay là sớm được hỗ trợ hạt giống, cây giống và con giống để có thể tái sản xuất ngay. Bởi sau lũ lụt bà con nông dân hầu như không còn gì. Nếu được hỗ trợ cây, con giống kịp thời bà con có thể sản xuất được ngay, trước mắt là trồng rau màu cực ngắn ngày, để sớm có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn lúa giống, 80 tấn ngô, 15 tấn rau màu để kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất trên địa bàn. Nếu được hỗ trợ kịp thời về giống, sẽ tạo điều kiện để người dân sớm khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, từng bước ổn định sản xuất và đời sống.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Trần Thanh Hiền, đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, trước mắt là sản xuất rau màu vụ Đông trên diện tích đất cao, không bị ngập lụt để nhanh có thu nhập; tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm ở nơi đảm bảo an toàn, tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, xử lý xác gia súc, gia cầm chết để tránh lây lan dịch bệnh, chú trọng phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sau bão lũ. Đối với nuôi trồng thủy sản, tập trung tiến hành tu sửa, gia cố lại bờ ao nuôi, cửa cống, máy móc thiết bị, vệ sinh khử trùng và cải tạo ao nuôi.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ở vùng thấp trũng, chính quyền phải khẩn trương hỗ trợ người dân, không để người dân bị đói rét. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ tỉnh trong thời gian sớm nhất về giống, kỹ thuật để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau lũ lụt.
Bài 2: Dồn tổng lực khôi phục cơ sở hạ tầng