Tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại - Bài 1: Hướng tới sản xuất an toàn

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tại Hưng Yên có bước phát triển mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, từng bước hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; đồng thời, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Thu hoạch nhãn tại hộ nông dân Nguyễn Thị Thương, thành viên Hợp tác xã nhãn lồng Miền Thiết ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bài 1: Hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn

Trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh. Theo đó, tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Bên cạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên luôn khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao để giúp nông dân tạo ra sản phẩm an toàn. Điển hình là sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, mô hình này ngày càng được chú trọng, qua đó tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn quả. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 5 nghìn ha trồng nhãn; trong đó, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm 30% tổng diện tích. 

Với việc sản xuất theo quy trình VietGAP, nhiều hộ trồng nhãn tại Hưng Yên đã có thu nhập cao. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu) cho biết, quả nhãn trồng theo mô hình VietGAP có mẫu mã đẹp. Điều đặc biệt là so với sản xuất truyền thống, chi phí sản xuất theo VietGAP giảm khoảng 10 -15%, năng suất cao hơn khoảng 20%. Nhãn quả VietGAP chất lượng thơm ngon lại mẫu mã đẹp nên được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường.

Bên cạnh cây nhãn, cây cam cũng là một trong những nông sản mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân ở Hưng Yên. Toàn tỉnh hiện nay có trên 4,2 nghìn ha cây ăn quả có múi; trong đó, trên 2 nghìn ha trồng cam, với khoảng trên 500 ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Trần Văn Bính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) cho biết, nhờ sản xuất theo hướng an toàn, cam của hợp tác xã cho chất lượng vượt trội, khẳng định được thương hiệu. Cam quả to, mã vàng óng, thơm, ngọt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Do đó, cam của Hợp tác xã được tiêu thụ nhiều tại các siêu thị ở các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...

Quả vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ những năm gần đây cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến và mang lại lợi nhuận cao cho người trồng. Anh Nguyễn Tiến Thiều ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ cho biết, việc sản xuất vải theo quy trình VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc khiến người tiêu dùng tin tưởng. Cùng với đó, người trồng vải ngày càng áp dụng kỹ thuật tiên tiến để tạo ra sản phẩm chất lượng, giúp quả vải lai chín sớm có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu giúp quả vải to, có độ đường vừa phải, ngọt thanh, được nhiều người tiêu dùng tìm mua. 

Huyện Kim Động đã phát triển được vùng trồng chuối với diện tích lớn, áp dụng khoa học, kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng chuối quả tăng, cây chuối trở thành cây trồng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế bền vững cho nhiều người dân trong huyện. Đối với nhiều hộ dân thuộc vùng bãi của huyện, cây chuối đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Áp dụng trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng và chất lượng chuối quả tăng, cây chuối trở thành cây trồng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế bền vững cho nhiều người dân. Với mô hình này, người trồng chuối có lãi cao hơn trên 10% so với trồng chuối theo phương pháp truyền thống.

Nhờ đó, huyện Kim Động đã phát triển được vùng trồng chuối với diện tích lớn, toàn huyện hiện có hơn 500 ha trồng chuối. Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân; đồng thời xây dựng Đề án Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, huyện phấn đấu xây dựng, phát triển vùng trồng chuối áp dụng tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích gần 400 ha.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 94 mô hình sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 630,6 ha. Trong số đó, cấp mới cho 61 mô hình, gồm 33 mô hình trồng trọt với diện tích hơn 208,6 ha và 28 mô hình chăn nuôi với diện tích 9,3 ha; cấp lại cho 33 mô hình, gồm 29 mô hình trồng trọt với diện tích 395,6 ha, 3 mô hình chăn nuôi với diện tích hơn 2,1 ha, 1 mô hình thủy sản với diện tích 14,8 ha.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 3.300 ha; trong đó, trồng trọt trên 3.000 ha, chăn nuôi trên 170 ha, thủy sản trên 75 ha.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, xác định các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để đề nghị đơn vị có thẩm quyền tổ chức cấp chứng nhận VietGAP. Cùng với đó, tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng được cấp chứng nhận VietGAP. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cũng sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân tại các vùng sản xuất đã được lựa chọn; kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn; thường xuyên giám sát chất lượng sản phẩm nông sản theo quy định. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm bảo đảm giá trị và hiệu quả sản xuất.

Bài 2: Định vị cho thương hiệu nông sản

Đỗ Huyền (TTXVN)
Tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại - Bài cuối: Mở rộng thị trường tiêu thụ
Tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại - Bài cuối: Mở rộng thị trường tiêu thụ

Nhằm hỗ trợ người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành của Trung ương, tỉnh tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN