Những ngày qua, cùng với việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách trên toàn địa bàn tỉnh, thành phố, nhiều doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không đáp ứng đủ nguồn nguyên, vật liệu cho sản xuất.
Phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm 3 bài viết về những tác động từ đại dịch COVID-19 và vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp.
Bài 1 - Giãn cách xã hội và những vướng mắc từ tấm "giấy thông hành"
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính cho biết, theo hướng dẫn tại công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/04/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 16, bưu chính là dịch vụ được phép hoạt động, song, không hẳn các địa phương đều đã thực hiện theo đúng hướng dẫn này. Trong suốt một tháng qua, hầu như ngày nào người của doanh nghiệp cũng phải gọi đi các địa phương để can thiệp về việc một số doanh nghiệp thiết yếu, trong đó có bưu chính, bị ách tắc trên đường.
Mỗi nơi một kiểu
Vướng mắc của doanh nghiệp hiện nằm ở chỗ hai tấm "giấy thông hành" cho người và phương tiện: giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 và giấy nhận diện phương tiện "luồng xanh". Đối với vấn đề xét nghiệm, trong khi hướng dẫn của các bộ là có thể test nhanh hoặc RT-PCR và có giá trị trong 72 giờ, nhưng thực tế không ít địa phương chỉ cho phép sử dụng giấy này trong 48 giờ. Thậm chí, có nơi không đồng ý với việc test nhanh, bắt buộc phải test RT-PCR, trong khi lái xe phải đi trên tuyến, mà phải chờ khoảng 1,5 ngày mới lấy được kết quả.
Không những thế, hướng dẫn của Bộ Y tế là giá trị của Giấy xét nghiệm được tính từ khi nhận kết quả test, nhưng về đến địa phương thì quy định này đã được "biến tấu" sang là từ thời điểm lấy mẫu và như vậy, thực tế tấm "giấy thông hành" cho người này chỉ còn giá trị 1,5 ngày.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thái Việt Trung cho biết, từ ngày bùng phát dịch tới nay các chính sách, quy định gây vướng rất nhiều cho doanh nghiệp vận tải. Quy định của Chính phủ và quy định của địa phương không thống nhất. Trong khi đó, các quy định này có hiệu lực nhanh, doanh nghiệp không sao xoay xở kịp, thiệt hại cho cả đơn vị vận tải và chủ hàng là vô cùng lớn.
Chẳng hạn như quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp nào, thời hạn ra sao, mỗi địa phương lại áp dụng cách thức khác nhau, như Quảng Ninh, khi vào tỉnh, lái xe đã test PCR nhưng khi vào bến bãi tại cửa khẩu lại phải test thêm lần nữa… Doanh nghiệp mong muốn, quy định của Chính phủ và bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách làm từ trên xuống dưới.
Ách tắc vì giấy nhận diện "luồng xanh"
Đối với giấy nhận diện phương tiện, nhiều doanh nghiệp cho biết, để được cấp giấy nhận diện "luồng xanh" là không hề dễ dàng do không truy cập được vào hệ thống đăng ký của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Có doanh nghiệp cho dù đã nộp văn bản tới Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh hơn 1 tuần qua nhưng mới chỉ được phê duyệt cho vài xe. Điều đáng nói là, rút kinh nghiệm từ sự việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi Hà Nội có lệnh phong tỏa, doanh nghiệp này đã chủ động liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để xin cấp giấy nhận diện phương tiện nhưng lại nhận được câu trả lời Sở chỉ làm cho một số đối tượng ưu tiên như chở hoa quả, đồ ăn, lương thực, thực phẩm cho các siêu thị hoặc tuyến đầu phòng, chống dịch, còn bưu chính chưa phải là đối tượng ưu tiên nên chưa được làm.
Cho đến khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, một lần nữa, doanh nghiệp lại phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ xe để đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện thì không thể thực hiện online được do mạng tắc nghẽn. Sau 5 ngày đề nghị, doanh nghiệp mới được Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt cấp giấy nhận diện "luồng xanh" cho 7/16 xe.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cấp thẻ nhận diện để các phương tiện lưu thông luồng xanh được các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên thực hiện, các doanh nghiệp, phương tiện được Sở Giao thông vận tải cấp thẻ nhận diện có mã QR Code để vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào thành phố khi thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và theo báo cáo từ các Sở Giao thông vận tải địa phương, cả nước đã cấp khoảng 55.000 thẻ luồng xanh cho các phương tiện lưu thông. Kể từ khi Hà Nội triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16, số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện luồng xanh tăng cao, khiến hệ thống bị quá tải. Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận rất nhiều hồ sơ và đang nỗ lực để giải quyết nhanh nhất, trong khi đó, hệ thống có trữ lượng nhất định. Bà Hiền bày tỏ mong doanh nghiệp có sự chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước.
Vướng mắc đối với hai tấm "giấy thông hành" trên là câu chuyện chung của các doanh nghiệp trong giai đoạn 20 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn hiện nay. Điều đáng nói là mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn 7630/BGTVT-VT nêu rõ, phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi chưa có giấy nhận diện, yêu cầu có xét nghiệm âm tính 72 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm, tuy nhiên, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo, đã gây ách tắc lưu thông. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thiệt hại về kinh tế là không thể tính xuể.
Lo lắng đứt gãy chuỗi sản xuất, vi phạm hợp đồng và mất uy tín với bạn hàng, những ngày qua, không ít doanh nghiệp phải chạy đôn đáo gõ các "cửa", từ thông qua các hiệp hội, các mối quan hệ cá nhân để tác động tới địa phương, đến "kêu" với cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét thiết lập quy trình kiểm soát, áp dụng thống nhất đến các chốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa thiết yếu đang bị vướng nghiêm trọng tại các đầu mối hiện nay.
Bài 2: Đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế