Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày chỉ đem lại hiệu quả thực sự nếu được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên toàn Thủ đô. Thành phố muốn có kết quả tốt thì từng quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư phải thực hiện thật tốt. Bởi chỉ cần một, hai nơi lơ là, chểnh mảng thì cả thành phố có thể phải vất vả làm lại từ đầu.
“Thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu không chỉ riêng huyện Hoài Đức mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn khác đều phải hiểu rõ từng nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 17/CT-UBND và các chỉ đạo khác của Thành ủy, UBND thành phố để tổ chức thực hiện. Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 cấp huyện, cấp xã phải trực 24/24h và 7 ngày/tuần. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện và toàn quyền chỉ huy lực lượng phòng, chống dịch. Ban Thường vụ, Thường trực quận, huyện, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ. Các địa phương phải tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nên tham khảo mô hình huyện Đông Anh cách ly “3 lớp” với sự tham gia tự quản, tự giám sát của người dân rất hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phải sát sao với địa bàn phụ trách. Nếu quận, huyện, thị xã còn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giãn cách xã hội thì đồng chí đó phải trực tiếp “3 cùng” với địa phương để thực hiện. Tương tự, Ban Thường vụ huyện Hoài Đức nói riêng và các quận, huyện, thị xã cũng phải phân công, gắn trách nhiệm cá nhân với địa bàn phụ trách. Nơi nào làm tốt, có sáng kiến, sáng tạo thì phải biểu dương, tuyên truyền động viên ngay. Nơi nào thiếu trách nhiệm, làm chưa tốt phải phê bình, kỷ luật nghiêm, lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.
Nhấn mạnh nội dung chính của Chỉ thị số 17/CT-UBND là bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu huyện Hoài Đức phải làm chặt chẽ từ gốc, bố trí các chốt kiểm soát từ thôn, xóm; huy động thêm các lực lượng và có phương án chuẩn bị phục vụ dài ngày. Các tổ trực kiểm soát tại các chốt phải được hướng dẫn, tập huấn bảo đảm thống nhất, chặt chẽ... Các địa phương huy động các Tổ COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để phát hiện F0; có biện pháp nắm bắt, xét nghiệm những trường hợp đi mua thuốc ho, sốt...
UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành Chỉ thị số 17/CT-UBND của 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; bảo đảm không đơn vị nào hoạt động mà chưa có phương án an toàn phòng dịch được cấp huyện phê duyệt. Phương án phê duyệt phải thực chất và là căn cứ để kiểm tra, truy cứu trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu song song với thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, toàn thành phố phải thực hiện ngay công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động trong mọi tình huống, nhất là phải bảo đảm đủ cơ sở cách ly, điều trị F0. Trong đó, huyện Hoài Đức phải vào cuộc ngay, nhanh chóng triển khai các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu cách ly 5.000 người khi cần. Đồng thời Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rà soát, lập danh sách và tham mưu với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 thành phố về các địa điểm thiết lập khu cách ly tập trung ở 18 huyện, đề xuất phân công cho mỗi huyện chuẩn bị khoảng 3.000 - 5.000 chỗ cách ly. Việc chuẩn bị do UBND các huyện phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện, bảo đảm khi có yêu cầu là triển khai được ngay, không lúng túng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện khẩn trương, hiệu quả việc chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành
Theo báo cáo của huyện Hoài Đức, từ ngày 18/7 đến 18h ngày 28/7, trên địa bàn huyện có 30 ca F0, trong đó 16 ca ngoài cộng đồng đều từ các nguồn xâm nhập bên ngoài. Liên quan đến các ca bệnh, huyện đã xác định 322 F1, hơn 2.300 F2. Từ khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, huyện đã lập 15 chốt cấp huyện, 124 chốt cấp xã và 332 chốt ở các thôn, xóm, tổ dân phố với sự tham gia của 1.126 người.
Qua thị sát thực tế, các thành viên đoàn kiểm tra cho rằng, nhìn chung tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 của huyện Hoài Đức theo Chỉ thị số 17/CT-UBND đã có sự chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế tồn tại cần quan tâm, khắc phục như: Một số thôn, xóm, còn tình trạng hàng, quán không thiết yếu vẫn hoạt động, một số người dân chưa tuân thủ đúng quy định giãn cách, việc hoàn thành đưa vào vận hành khu cách ly tập trung chưa kịp thời...
Trước đó, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã đi kiểm tra tại Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung; khu cách ly tập trung của huyện tại Trường Tiểu học thị trấn Trạm Trôi và một số địa điểm dự phòng bố trí khu cách ly tập trung khác như: Trường Đại học Thành Đô, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên, Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C.