Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành liên tiếp 4 chỉ thị về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; trong đó, chỉ thị mới nhất của Cục này đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động điều chỉnh kế hoạch bay, tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Các hãng hàng không không thực hiện các chuyến bay thường lệ và không đề nghị cấp phép bổ sung cho các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc.
Phía các cảng hàng không, sân bay được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy trình ứng phó tình huống khẩn nguy y tế, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, đồng thời khuyến cáo hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia giao thông.
Đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ khi dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát, Vietnam Airlines đã sớm chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách, các đơn vị liên quan liên tục theo dõi tình hình, kiểm tra, giám sát sức khỏe hành khách, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh trên chuyến bay và tại sân bay.
Đặc biệt, Vietnam Airlines tiến hành nghiêm việc khử trùng tất cả tàu bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan) về Việt Nam. Các trường hợp chuyến bay khác có hành khách biểu hiện sức khỏe bất thường cũng sẽ được thông báo với nhà chức trách và tiến hành khử trùng theo quy trình.
Tương tự, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã ban hành công điện gửi các Cục Quản lý đường bộ và các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương nơi có đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc tạm thời ngừng cấp phép liên vận cho phương tiện từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và chiều ngược lại.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, đơn vị đã làm tốt việc tuyên truyền các chỉ đạo, khuyến cáo từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế trong phòng chống dịch COVID-19. Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp lái xe bị nhiễm bệnh do virus Corona. Ưu tiên hàng đầu của hiệp hội là bảo vệ an toàn cho nhân viên của mình và hành khách qua việc khuyến cáo các doanh nghiệp phát khẩu trang, trang bị nước rửa tay, khi khách hàng trên xe luôn để điều hòa trên 25 độ.
Trong khi đó, ngành đường sắt, hàng hải cũng ban hành nhiều văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu chủ động đưa ra các giải pháp, đồng thời phối hợp với địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ thông tin, hiện tải tất cả tàu biển hành trình từ các cảng của Trung Quốc đến khu vực cảng Hải Phòng trong vòng 14 ngày sẽ phải làm thủ tục kiểm dịch y tế tại khu neo Hòn Dấu.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho tạm dừng hoạt động các tàu chở khách liên vận chạy Việt Nam - Trung Quốc, Cục cũng đã có văn bản gửi các công ty vận tải đường sắt tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các tàu vận chuyển hàng hóa liên vận sang Trung Quốc.
Cục cũng yêu cầu các công ty vận tải đường sắt theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, không khuyến khích tiếp tục gia tăng vận tải hàng hóa đường sắt bằng tàu hàng quốc tế qua lại hai cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, với quyết định tiếp tục cho chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới Việt - Trung của Bộ Giao thông Vận tải sẽ giúp đường sắt giải phóng hàng trăm toa xe đang chờ xuất sang Trung Quốc và châu Âu.
Về vấn đề phòng ngừa dịch bệnh khi tổ chức chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới với Trung Quốc, ông Trần Thiện Cảnh cho hay, phía cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu, phụ trách chạy tàu hàng giữa hai nước do đường sắt Việt Nam đảm nhận. Hàng ngày, trên mỗi đoàn tàu thường xuyên có 5 nhân viên đường sắt Việt Nam gồm 2 lái tàu, 3 nhân viên giao tiếp thực hiện các tác nghiệp. Hiện các nhân viên đều được trang bị phòng hộ y tế khi tham gia chạy tàu liên vận quốc tế và được kiểm tra đo thân nhiệt trước khi đi và sau khi về đến ga Lào Cai.
Đối với nhân viên đường sắt Trung Quốc tham gia tác nghiệp trên tàu hàng liên vận quốc tế cả hai phía Lào Cai - Sơn Yêu và Đồng Đăng - Bằng Tường (Trung Quốc) đều được các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phối hợp tại ga đường sắt kiểm tra kiểm dịch và kiểm soát hành trình chặt chẽ theo quy định.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng đang gây nên những thiệt hại không nhỏ cho ngành giao thông vận tải. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới 30%, còn nếu dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn là lớn hơn nhiều. Nguyên nhân sụt giảm là do người dân hạn chế đi lại, hạn chế đi du lịch…
Theo Phó Tổng giám đốc đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà, công ty đã dừng chạy 6 đôi tàu tăng cường trên tuyến Bắc - Nam vốn phục vụ cao điểm sau Tết do lượng khách giảm. Nhất là số lượng lớn khách đi tàu là học sinh, sinh viên được nghỉ học để phòng chống lây lan dịch COVID-19.
Ngành hàng không cũng chịu thiệt hại lớn. Với kịch bản khách quốc tế không tăng trưởng năm nay do ảnh hưởng của dịch, cùng với cạnh tranh giá vé khi thị trường có thêm các hãng mới, theo đánh giá của Công ty chứng khoán KBSV, Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ khó duy trì đà tăng trưởng doanh thu từ vận chuyển hành khách.
Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ, trước diễn biến của dịch, các kế hoạch khai thác của hãng cũng phải thay đổi liên tục. Chưa kể, để phòng ngừa dịch, hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không, gây tốn kém chi phí.
Lãnh đạo Hãng hàng không Jetstar Pacific cho hay, ảnh hưởng rõ nét nhất là nhiều chặng quốc tế bị ngừng, khách đến và đi các chặng nội địa giảm, khiến doanh thu đi xuống.
Việc các hãng hàng không vắng khách cũng kéo theo các đơn vị kinh doanh và quản lý tại sân bay cũng chịu tác động tương tự. Lãnh đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thông tin, bên cạnh các thiệt hại về hoạt động kinh doanh thì chi phí phòng, chống dịch cũng tốn kém.
Để khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh, ngành giao thông vận tải đã triển khai một số giải pháp. Theo đó, ngành đường sắt đưa nhiều chương trình giảm giá vé cho hành khách thực hiện trong tháng 2 và 3.
Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ giảm từ 12-18% giá vé giường nằm tàu Thống Nhất đến hết ngày 16/2/2020; giảm từ 7-20% giá vé giường nằm tàu tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Nội đến hết ngày 10/3/2020. Từ giữa tháng 2/2020, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ áp dụng nhiều chương trình giảm giá vé từ 5-15% cho tập thể và khứ hồi tùy theo mác tàu và số lượng khách trong đoàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, để bù đắp những thiệt hại của ngành hàng không, Bộ đã chỉ đạo các hãng tăng cường vận chuyển hành khách, hàng hóa đối với thị trường lớn xung quanh Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)… Đồng thời, mở rộng thị trường mới, như: Ấn Độ - là thị trường tiềm năng chưa được khai thác nhiều. Cùng đó, ngành hàng không tăng cường khai thác tối đa các chuyến bay nội địa…
Với các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, Việt Nam hiện nay kết nối với Trung Quốc không lớn, do đó Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo tập trung tăng cường khai thác nội địa, đồng thời mở rộng kết nối với các nước còn lại trong khu vực ASEAN qua Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hành khách, hàng hóa qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Cùng đó, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt tiết kiệm nhiên liệu, điều chỉnh luồng tuyến hiệu quả.