Sức mua yếu, giá tiêu dùng giảm

Theo công bố của Tổng cục thống kê (TCTK) ngày 24/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 của cả nước đã bất ngờ giảm 0,27% so với tháng 10/2014. Có nguyên nhân từ giá xăng dầu, gas giảm liên tiếp khiến CPI giảm, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại sức mua yếu ớt. Cuối năm thường là thời điểm người dân mua sắm tăng cao và đây cũng là một trong những yếu tố dự báo sức mua dịp Tết Ất Mùi khó tăng mạnh.

CPI giảm bất thường

Trong số liệu thống kê kể từ năm 1998 đến nay, rất hiếm khi CPI giảm vào tháng cuối năm trừ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng rõ nét của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới. Khi đó, giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm sau đó giảm dần và những tháng cuối năm giảm mạnh do đó đã ảnh hưởng đến giá cả trong nước.

Sức mua của người dân vẫn yếu ớt. Ảnh: Lê Phú


Giải thích nguyên nhân CPI giảm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: CPI tháng 11 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước giảm giá liên tục. Trong 2 ngày 23/10 và 7/11, giá xăng giảm 1.500 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 1.000 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 800 đồng/lít, nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm khá mạnh (2,75%), đóng góp 0,24% vào mức giảm chung 0,27% của CPI. Tuy nhiên theo ông Thắng, ngoài việc giảm giá xăng dầu, trong tháng này cũng có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giá giảm nhẹ so với tháng trước do nguồn cung dồi dào và giá cước vận chuyển giảm. Cụ thể: Giá thịt lợn giảm 0,04%; thịt gà giảm 1,18%; thịt gia cầm khác giảm 2,33% và giá các mặt hàng đường, bơ, sữa, pho mát giảm từ 0,1 - 0,6%.

Theo TCTK, với việc giảm giá xăng dầu liên tục thời gian qua và mặc dù có những ý kiến cho rằng, cước phí vận tải không hạ tương xứng, tuy nhiên, trong rổ tính CPI tháng này, chỉ số giá nhóm giao thông vẫn ghi nhận mức giảm là 2,75% so với tháng 10/2014. So với đầu năm chỉ số giá nhóm này đã giảm 2,56%.

Báo cáo của ngành thống kê cũng nêu: Tháng 11/2014, một số nhóm hàng cũng tăng giá do thời tiết vào mùa lạnh và đang mùa cưới hỏi nên nhu cầu mua sắm quần áo may sẵn mùa đông tăng như: Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,34%. Mặt khác, thời tiết chuyển lạnh nên nhu cầu mua sắm các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông cũng tăng lên. Ngoài ra, chỉ số giá lương thực tháng 11 tăng 0,12% so với tháng trước là do thị trường xuất khẩu gạo có nhiều dấu hiệu tích cực như: Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo giao hàng trong tháng 12/2014; Indonesia cũng có nhu cầu nhập thêm 400.000 - 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm, nên các doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh việc thu mua nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó và dự trữ chờ các hợp đồng mới.

Theo nhận định ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, CPI giảm do giá xăng dầu thời gian vừa qua đã giảm mạnh nhưng vẫn còn nhiều loại hàng hóa khác không giảm, thậm chí các mặt hàng ăn uống, dịch vụ còn tăng: “Nhóm hàng hóa, lương thực, thực phẩm gần như không thay đổi thậm chí cá biệt còn tăng; nhóm dịch vụ đứng mức cao và âm thầm tăng”. Theo ông Phú, mặc dù giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải không giảm nhiều; giá hàng hóa thiết yếu không giảm hoặc tăng nhanh, giảm chậm; hệ thống phân phối qua nhiều khâu trung gian khiến giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn cao.

Sức mua yếu, CPI tháng tới thấp

Theo ông Phú, thông thường tháng 11 hàng năm là thời điểm giá cả bắt đầu tăng nên việc CPI giảm là trái quy luật. Dịp Tết Ất Mùi tới, Sở Công Thương Hà Nội dự báo: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tháng Tết tăng 20 - 25% nhưng đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, sức mua chỉ tăng 5 - 10% và chỉ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết mới đạt được kỳ vọng tối đa.

Các chuyên gia thị trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến sức mua khó tăng cao dịp Tết như: đời sống người lao động còn khó khăn nên tiết kiệm chi tiêu; đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài, người có thu nhập từ trung bình khá trở lên có khả năng đi du lịch nhiều hơn, từ đó họ giảm lượng hàng mua dự trữ dịp Tết. Bên cạnh đó, so với nhiều năm trước đây, chất lượng bữa ăn của người dân đã được nâng lên nên nhu cầu mua nhiều thực phẩm trong dịp Tết không còn như trước.

Trước biến động của chỉ số giá tiêu dùng, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Có những dấu hiệu tích cực từ thị trường, tuy nhiên nguyên nhân quan trọng khiến CPI giảm còn do tổng cầu yếu. “Tín dụng tăng thấp và nhiều doanh nghiệp đã không nhận được tín dụng như họ mong muốn cũng là điều chúng ta cần xem xét đến trong vấn đề này”, ông Doanh nói.

Đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng cảnh báo: Những con số trên cho thấy dấu hiệu của vấn đề đình trệ sản xuất và lưu thông phân phối, dấu hiệu của giảm phát. Bởi vì sức mua trong 11 tháng chỉ tăng 5% so với thời kỳ mạnh mẽ có thể lên đến 10 - 12%.“Mặc dù có người nói chỉ số giá đã được kìm lại nhưng thực chất là sức mua giảm, khuyến mại tại các siêu thị rầm rộ nhưng sức mua vẫn thấp do đa số người dân vẫn khó khăn”, ông Phú chia sẻ.

Dự báo về CPI tháng 12/2014, đại diện TCTK cho rằng, CPI sẽ giữ ở mức như tháng 11 do sức mua không có nhiều biến động và giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vào cuối năm còn có những biến động tác động đến giá cả mà không thể xem thường. Chẳng hạn, tỷ giá đã có những biến động trong những ngày qua do cuối năm nhu cầu ngoại tệ tăng lên. Cuối năm, các công ty nhập khẩu chuẩn bị cho Tết và thanh toán những hợp đồng trong năm nên áp lực tỷ giá là có thực và điều đó cần phải xem xét đến.

Minh Phương

Thúc đẩy sức mua cuối năm
Thúc đẩy sức mua cuối năm

Theo thông lệ, sức mua thường tăng mạnh dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay sự suy yếu sức mua có thể chi phối thị trường, do vậy nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ không đạt chỉ tiêu về tăng trưởng và lợi nhuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN