Sữa lại bị 'làm giá'

Thông thường cứ vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều hãng sữa lại rục tịch tăng giá sản phẩm. Nắm bắt xu hướng này, nhiều đại lý, cửa hàng sữa hiện đã trữ hàng để “chờ” giá lên. Chính điều này đã làm “sốt” hàng giả tạo cơ hội cho các cửa hàng nhỏ lẻ tăng giá bán sản phẩm.


Rục rịch tăng giá


Mở màn cho đợt tăng giá sữa dịp cuối năm là công ty Mead Johnson. Theo thông báo của hãng này, các mặt hàng sữa của hãng sẽ tăng giá thêm 7% từ ngày 12/12. Theo đó, các dòng sữa Enfa Grow 3 A+ sẽ tăng thêm 54.000 đồng, từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g; dòng sữa EnfaMama A+ Vanilla DHA power plus tăng từ 192.000 đồng lên 205.000 đồng/hộp 400g, EnfaMil A+ tăng thêm 35.000 đồng, đẩy giá bán lẻ lên 534.000 đồng/hộp.

 

Người tiêu dùng đang lo lắng sữa sẽ có đợt chiều chỉnh tăng giá mới.

 

Tuy nhiên, với lần tăng này, đa số các đại lý không biết rõ nguyên nhân điều chỉnh giá. Chủ một đại lý chuyên kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cho biết: “Tới thời điểm này, hãng sữa Mead Johson đã có thông báo tăng giá, ngoài ra hãng sữa Abbot mới đây cũng thông báo sẽ tăng thêm 5% trong thời gian tới. Các hãng sữa khác thì vẫn chưa có thông báo tăng giá bán”.


Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá sữa ở các cửa hàng kinh doanh sữa tại TP Hồ Chí Minh rất khác nhau. Cùng một loại sữa nhưng ở mỗi cửa hàng lại có sự chênh lệch nhau từ 10.000 - 15.000 đồng/hộp. Đơn cử như sữa Dialac Anpha 123 loại 400g của Vinamilk có cửa hàng bán 84.000 đồng/hộp, nhưng có cửa hàng bán 96.000 đồng/hộp và cũng có cửa hàng bán 98.000 đồng/hộp… Theo lý giải của các đại lý sữa, sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do các nhà phân phối tính chiết khấu và có chương trình giảm giá riêng cho từng cửa hàng, từ đó các cửa hàng lại tự giảm chiết khấu để bán giảm giá cho khách hàng.


Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn thành phố, hiện các loại sữa bột và sữa nước đang có khá nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Chẳng hạn tại hệ thống siêu thị Co.opmart, loại sữa Dutch Lady Complete hộp thiếc 400g từ 127.600 đồng/hộp giảm còn 126.500 đồng/hộp, thậm chí mua 2 hộp còn được tặng bộ nồi Happy cook; Dumex Gold loại 400g mua 2 hộp tặng gối ôm cho bé…


Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa cũng cho rằng, bước vào đầu năm 2014 giá sữa thế giới có thể tăng mạnh nên việc tăng giá sản phẩm là khó tránh. Tuy nhiên, đại diện Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khi các loại sữa bột rục rịch tăng giá nhưng các loại sữa tươi thu mua của nông dân vẫn “giậm chân tại chỗ”. Từ đầu năm đến nay, các loại sữa bột đã tăng giá tới 5 lần còn sữa nước mới chỉ tăng 3 lần. Hiện giá sữa thu mua của nông dân chỉ từ 14.000-14.500 đồng/lít. Với mức giá thu mua này, người chăn nuôi vẫn đang chịu lỗ.


Siết chặt quản lý


Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 năm gần đây, giá sữa nhập khẩu đã tăng đến 30 lần. Rất nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường, như Nestle, Gallia, Enfa, Abbot… hiện có giá bán cao ngất ngưởng, gấp 5 - 6 lần giá nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, giá sữa nhập khẩu đã tăng liên tục 5 lần, với mức tăng từ 3-15%. Các chuyên gia thương mại cho rằng, với 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm, đáng lẽ ra thị trường sữa sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ, theo hướng hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, nhưng ngược lại giá sữa lại liên tục tăng. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), cho biết: “Sở dĩ các hãng sữa ngoại tăng giá là do các công ty này chi cho quảng cáo rất lớn và một bộ phận lớn người tiêu dùng thường hay tin vào quảng cáo nên chấp nhận mua sữa dù giá quá cao. Điều đó lý giải tại sao sữa ngoại dễ chiếm lĩnh thị trường”.


Để quản lý mặt hàng giá sữa ngoại, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 30 về việc đưa các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0 - 6 tuổi vào diện hàng bình ổn và quản lý của Bộ Y tế. Một đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm tiếp tục giữ được ổn định giá sữa các tháng cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa; đồng thời giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của đơn vị như đã đăng kí với Sở Tài chính.


“Để quản lý giá sữa trên thị trường, sắp tới chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra về giá, về chất lượng hàng hóa. Đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng và quận, huyện kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng găm hàng, sốt giá dịp Tết. Mặt khác, các doanh nghiệp sữa tham gia bình ổn cũng đảm bảo cung ứng đủ hàng trong dịp Tết. Hiện lượng sữa bột của 2 công ty sữa Vinamilk và Nutifood cung ứng năm 2013 khoảng 6.000 - 6.300 tấn, chiếm từ 30 -50% thị trường (tăng 10% so với năm ngoái). Ngoài ra, các đơn vị này còn cam kết giữ giá ổn định cả năm, thậm chí còn bán giá thấp hơn giá thị trường 5-10%”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Bài và ảnh: H.Tuyết- Đ.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN