Hiệu quả của Luật
Tại hội nghị tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để làm cơ sở xây dựng báo cáo, trình sửa đổi Luật này mới đây của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội Khóa XI thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 và được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 sửa đổi, bổ sung một số điều. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng.
Trong quá trình thực thi đến nay, Luật là cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn bộ hoạt động hàng không dân dụng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam nói riêng và hội nhập hàng không quốc tế nói chung.
Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT, qua 16 năm thực thi Luật, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kịp thời; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không trong đảm bảo an ninh hàng không, an toàn bay và kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh qua đường hàng không.
Về an toàn hàng không, Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập hệ thống quản lý và giám sát phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đảm bảo công tác quản lý hoạt động bay được triển khai toàn diện.
Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện với nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; gắn nhiệm vụ phát triển ngành hàng không với nhiệm vụ an ninh quốc phòng; thiết lập được hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững chắc, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh hàng không, bảo đảm an toàn cho những chuyến bay, hành khách.
Đặc biệt, hạ tầng các cảng hàng không đã được đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch với nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào khai thác như: Xây mới Cảng Hàng không Phú Quốc; mở rộng nhà ga và khu bay tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... Việc đầu tư, phát triển 22 cảng hàng không, sân bay theo hướng hiện đại, đồng bộ, đã đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không và kinh tế địa phương có sân bay.
Ngoài ra, vận tải, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa ngày càng được nâng cao nhờ không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng hoạt động khai thác các đường bay quốc tế, đa dạng đường bay nội địa...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành cũng đã nảy sinh các bất cập, hạn chế. Nguyên nhân là do công tác quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng chưa chủ động để đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa theo kịp nhu cầu thị trường; hệ thống pháp luật liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến thiếu đồng bộ, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc thực thi, áp dụng cơ chế, chính sách. Thực tế này cần sớm sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để phù hợp với thực tiễn.
Cấp thiết sửa Luật
Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân... là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật, để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Luật Hàng không dân dụng Việt Nam là trung tâm xử lý các mối quan hệ pháp luật về hàng không. Do đó, việc sửa đổi tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và có lộ trình, mục tiêu rõ ràng.
Cụ thể, quá trình đầu tư cảng hàng không, sân bay hiện nay cần nguồn vốn lớn, cần huy động vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, đối với hạ tầng giao thông hiện chỉ đầu tư theo hai hình thức: Ngân sách Nhà nước hoặc đối tác công - tư (PPP). Vậy, với cảng hàng không, sân bay và các công trình tại cảng hàng không, sân bay, nhà đầu tư tư nhân có thể bỏ vốn đầu tư trực tiếp, toàn bộ, không cần vốn Nhà nước tham gia hay phải huy động xã hội hóa? Điều này cần được luật hóa, phân định rõ hạ tầng nào là thiết yếu, không thiết yếu, để xác định đầu tư theo hình thức nào.
Đáng chú ý, việc sửa đổi cũng phải xác định vai trò của cảng hàng không dân dụng trong Luật, từ đó xác định hình thức đầu tư, quản lý đối với cảng và các công trình tại cảng; đồng thời, Luật sửa đổi cũng phải làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, làm sao thu hút được nhiều nguồn lực hơn, triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Qua tìm hiểu tại một số địa phương hiện nay, nhiều cảng hàng không, sân bay đóng vai trò quan trọng về mặt địa chính trị, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, nên việc huy động vốn đối với các cảng hàng không, sân bay này phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, nhất là yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng. Do đó, Bộ GTVT lưu ý các địa phương đối với việc huy động vốn xã hội hóa cho đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay cần phải được nghiên cứu, phân loại và làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Thêm vào đó, hiện nay, các cảng hàng không, sân bay đều được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, điều này dẫn đến hiện trạng một số đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng như: Thọ Xuân, Chu Lai, Tuy Hòa, Phù Cát... là tài sản công do Bộ Quốc phòng quản lý. Vì vậy, cũng cần có cơ chế cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng hoặc doanh nghiệp cảng hàng không được đầu tư trên tài sản hoặc đất do Bộ Quốc phòng quản lý... Những vấn đề này cũng cần được được vào dự thảo sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.