Thưa bà, sau 4 kỳ họp cho ý kiến, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Xin bà chia sẻ về các điểm mới nổi bật của Luật?
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là sự kiện quan trọng, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, với 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất…
Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn, được định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước; cũng là kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân; góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới.
Thưa bà, dưới góc độ cơ quan soạn thảo, biên tập Dự án Luật, bà có thể chia sẻ về nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Nhân dân trong quá trình xây dựng Luật?
Việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Quá trình tổng hợp trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân, các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành việc tổng hợp ý kiến của Nhân dân, phân công các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân trong bối cảnh sau thời gian lấy ý kiến thì thời gian tổng hợp, tiếp thu, giải trình là rất ngắn (từ 15/3 đến 31/3).
Chính vì vậy, không đợi đầy đủ ý kiến về mới tổng hợp, mà ngay sau khi nhận được các ý kiến, các cơ quan đã bắt tay ngay vào việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân, đảm bảo thời gian trình Chính phủ, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Cũng trong giai đoạn này, nhiều sáng kiến để có thể tổng hợp, tiếp thu nhanh nhất các ý kiến của Nhân dân cũng đã được đề xuất như thiết kế phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp ý kiến…
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác có liên quan) nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, các ý kiến giải trình cũng đã được các cơ quan trao đổi, thảo luận và thống nhất giải trình và thông tin lại cho Đại biểu. Với sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, không quản ngày đêm, dự thảo Luật Đất đai trình ra Quốc hội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các Đại biểu Quốc hội.
Một trong những vấn đề người dân hết sức quan tâm là quyền và nghĩa vụ của người dân trong Luật, xin bà cho biết các quy định mới về nội dung này so với Luật Đất đai năm 2013?
Đây là một trong nhưng nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, Luật Đất đai đã có những quy định đổi mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, cụ thể:
Về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để đảm bảo không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai, đồng thời thống nhất với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Đất đai được hoàn thiện theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cơ bản vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Tại Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện đăng ký biến động hoặc tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Luật cũng bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ
Đồng thời, quy định cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Luật này được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại và phải xác định lại giá đất để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này. Trường hợp đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hằng năm phải nộp.
Đặc biệt, quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.
Luật Đất đai đã giành nhiều điều quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó tiếp tục khẳng định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Luật Đất đai là một đạo luật có phạm vi rộng lớn, có liên quan tới 22 luật, nhiều văn bản pháp lý, vậy luật đã có những quy định gì để đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật, thưa bà?
Quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan, theo đó các nội dung nào sửa trực tiếp trong Luật Đất đai thì sẽ sửa ngay trong Luật Đất đai. Ví dụ về người sử dụng đất đã được sửa đổi để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Tôn giáo tín ngưỡng, Luật doanh nghiệp, nội dung liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, đặc biệt trong lần sửa đổi này thì 3 Luật đều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì quá trình soạn thảo các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của 3 luật này.
Đối với những Luật mà cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai thì cũng đã được đề xuất sửa đổi tại Chương XVI của chính Luật Đất đai như Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Thủy sản, Luật thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân…
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; Tổ chức các đợt phổ biến Luật Đất đai.
Trân trọng cảm ơn bà!