Sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về những kết quả đạt được của ngành trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhiệm kỳ qua cũng như những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát triển kết cấu giao thông vận tải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt được Đảng và Nhà nước quan tâm và định hướng trong nhiệm kỳ qua. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả đạt được của ngành giao thông trong việc thực hiện các Nghị quyết?

Các Nghị quyết của Đảng trong những nhiệm kỳ gần đây luôn xác định một trong 3 khâu đột phá chiến lược là phải phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng. Bởi, giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển sẽ kéo theo kinh tế phát triển. Xuất phát từ chủ trương đó, trong nhiệm kỳ qua Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Hiện nay, cả nước có hai công trình trọng điểm quốc gia thì cả hai công trình này đều thuộc ngành giao thông vận tải. Đó là dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông dài 654 km và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành giao thông vận tải trong nhiệm kỳ qua ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, Bộ Giao thông Vận tải còn tập trung cao độ triển khai các dự án này theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Tính đến hết năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao. Cụ thể, 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ đã triển khai được 6 dự án với 30 gói thầu trải dài từ Bắc vào Nam.    

Đối với 5 dự án PPP (hợp tác công tư) đã tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư và đến nay đã chọn được nhà đầu tư cho 3 dự án và đang trong quá trình thương thảo hợp đồng để tiến hành khởi công. Đối với 2 dự án không chọn được nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan này đã ban hành Nghị quyết cho phép chuyển 2 dự án này sang hình thức đầu tư công. Theo tiến độ, 2 dự án này sẽ khởi công vào tháng 6 tới.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua rất nhiều tỉnh, thành phố và là trục xương sống của cả nước về đường cao tốc. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương hoàn thành được 94% khối lượng giải phóng mặt bằng. Tiến độ của 6 dự án thành phần đang triển khai đúng tiến độ, 5 dự án còn lại sẽ triển khai trong thời gian tới.

Riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có nhiều thời điểm gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và thủ tục đấu thầu, nhưng cuối cùng cũng được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công gói thầu đầu tiên của dự án. Như vậy, giai đoạn 1 với 1.810 ha, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 100% mặt bằng cho dự án; các nhà thầu đã tổ chức rà soát bom mìn trước khi thực hiện các gói thầu xây lắp.

Về tiến độ đặt ra, giai đoạn 1 của dự án phải hoàn thành trong năm 2025. Với tiến độ và công việc triển khai hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra của Quốc hội và Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thực hiện rất nhiều các dự án quốc lộ và đoạn cao tốc trải dài từ Bắc vào Nam. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020, tiến độ các dự án của ngành giao thông luôn đảm bảo với tỷ lệ giải ngân đạt gần 100% kế hoạch (trên 39.000 tỷ đồng).

Nhìn chung trong nhiệm kỳ qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự điều hành sát sao của Bộ Giao thông Vận tải vào những dự án trọng điểm quốc gia, đến thời điểm này ngành giao thông vận tải đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Chú thích ảnh
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài với 8 làn xe kết nối 3 quận nội thành Hà Nội giúp người dân phía tây thủ đô đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: TTXVN

Xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó, có hạ tầng giao thông vẫn là một trong những nhiệm vụ trong tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong nhiệm kỳ tới?

Trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn được xem là điểm “nghẽn” của nền kinh  tế. Do đó, mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cụ thể trong Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội sắp tới cũng xác định: kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá được ưu tiên, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Để chủ động thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị vốn trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025. Với nguồn vốn được giao, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn ưu tiên những công trình mang tính đột phá để thực hiện mục tiêu nhanh nhất có thể hoàn chỉnh hệ thống giao thông.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải xác định các dự án sẽ được ưu tiên đầu tư tại các vùng, miền. Tại vùng miền núi phía Bắc, Bộ đang nghiên cứu hình thành một tuyến đương liên tỉnh có thể kéo dài từ Hà Nội lên Điện Biên nhằm liên kết các trục giao thông dọc với nhau.

Bộ Giao thông Vận tải cung đang nghiên cứu nâng cấp Quốc lộ 4, Quốc lộ 29 và xem đây là đường vành đai kết nối các vùng khác theo hướng tâm về Thủ đô Hà Nội. Đối với vùng Bắc bộ, Bộ tập trung khai thác có hiệu cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Đây là cảng trọng điểm ở khu vực miền Bắc nên thời gian qua đã được dành nhiều nguồn lực để nâng cấp, xây mới các tuyến. Qua đó, kết nối tốt nhất với Cảng Lạch Huyện và khai thác hiệu quả dự án này.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với UBND Hà Nội hoàn thành đường vành đai 3, 4 và 5 và một số tuyến đường hướng tâm như Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La và Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn hay Hà Nội - Hải Phòng - Hạ  Long - Móng Cái… Đây là những dự án cần được nghiên cứu để làm sao lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng nhất thực hiện trước.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, nếu hình thành được hệ thống này, hàng hóa sẽ nhanh chóng được chuyển xuống cảng Hải Phòng và ngược lại một cách tốt nhất. Qua đó, giúp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu và giảm chi phí logistics.

Tại khu vực miền Trung, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung vào một số cảng quan trọng như: Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), cảng Vũng Án (Hà Tĩnh), cảng Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn... Bộ nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông để kết nối các cảng này với khu vực Tây Nguyên và các nước bạn Lào, Campuchia để hình thành các trục ngang kết nối với trục dọc là Quốc lộ 1, đường cao tốc và đường Hồ Chí Minh…

Tại khu vực miền Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ sớm hoàn thiện đường vành đai 3 và 4 của TP Hồ Chí Minh và hình thành các đoạn trục cao tốc hướng tâm vào thành phố như: TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Bình Phước hay dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.., kết hợp với một số dự án đang triển khai như: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Bến Lức - Long Thành… Với hệ thống này, Bộ sẽ khai thác có hiệu quả Cảng Cái Mép Thị Vải và một số bến cảng tại khu vực miền Đông Nam bộ.

Còn khu vực miền Tây Nam bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu và xác định cần có một cảng nước sâu tại khu vực này, dự kiến sẽ phát triển cảng Trần Đề (Sóc Trăng) trở thành một cảng nước sâu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể đón nhận tàu trọng tải lên đến 100.000 tấn ra vào.

Cùng với đó, hoàn thành một số tuyến cao như dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Giờ và triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau cũng như tăng sự kết nối với Campuchia qua dự án cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc - Sóc Trăng… Đây là những dự án nếu triển khai sớm sẽ hình thành bộ khung cao tốc kết nối với các cảng trọng điểm.

Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên chọn ra một số dự án trọng điểm cấp bách triển khai trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, trong 5 năm tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó tạo sự đột phát trong thu hút đầu tư, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bộ trưởng có thể chia sẻ các nhiệm vụ quan trọng nhất mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới?

Có rất nhiều việc chúng ta phải tập trung thực hiện; trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm nhất là hoàn chỉnh 5 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch. Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành 5 quy hoạch ngành và sẽ sớm trình Chính phủ xem xét phê duyệt vào tháng 4 tới.

Bộ Giao thông Vận tải xác định nếu làm quy hoạch tốt thì hệ thống giao thông mới tốt và có tầm nhìn. Từ đó mới có được sự liên kết vùng hiệu quả nhất.

Nhiệm vụ thứ hai là thực hiện tốt các quy hoạch. Trong quy hoạch phải chọn ra những dự án mang tính đột phát trong cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và đường biển. Tiếp đó là nhiệm vụ đảm bảo tiến độ quy hoạch theo yêu cầu đề ra của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là đảm bảo chất lượng các dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để có sự đồng thuận trong việc triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả…

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Toàn/TTXVN (Thực hiện)
Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cho Thủ đô
Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cho Thủ đô

Trong năm 2021, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí chốt trực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN