Thống kê cho thấy, đã có hơn 14 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 8/2023, tăng hơn 17,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 14,05% so với tháng trước. Tuy vậy, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lại ghi nhận mức giảm 3,1% so với cùng kỳ và giảm 10,9% so với tháng trước.
Với mức tăng, giảm này, tính chung 8 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 8 tháng năm 2023 đạt 149,4 nghìn doanh nghiệp, giảm nhẹ 0,03% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018 - 2022 (121.828 doanh nghiệp).
Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (89.899 doanh nghiệp).
Trong đó, có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, ngành giáo dục và đào tạo, tăng 35%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 18,9%; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 16,3%; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 10,9%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,4%; thông tin và truyền thông tăng 3%; xây dựng tăng 2,1%…
Tuy vậy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 chỉ đạt 969.618 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2023 là 45,74 nghìn doanh nghiệp, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (31.929 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 8/17 lĩnh vực; trong đó, các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất gồm: y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (224 doanh nghiệp, tăng 15,5%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (422 doanh nghiệp, tăng 9%); thông tin và truyền thông (923 doanh nghiệp, tăng 4,9%)...
Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 8 tháng có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 57,6%).
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 71.833 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 34.478 doanh nghiệp (chiếm 48%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 63.736 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 41.064 doanh nghiệp, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 36.024 doanh nghiệp (chiếm 87,7%, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Số doanh nghiệp giải thể là 11.787 doanh nghiệp, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 4/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 8.113 doanh nghiệp (chiếm 68,8%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 10.117 doanh nghiệp (chiếm 85,8%, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022).
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.
Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành hạ cũng là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp.
Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kinh tế ngày càng hội nhập và mở rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức. Vì thế, những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...
Đặc biệt, tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá... đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của ngành…