Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký 71.200 người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 7, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước; 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1%; 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,9%; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555.500 lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105.400 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, vừa qua, tại văn bản 5197/VPCP-KTTH ngày 30/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, dự báo diễn biến của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay… giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh…