Siêu thị phát triển nhãn hiệu riêng

Không chỉ bán hàng của nhà cung cấp, các siêu thị đang ngày càng chú trọng phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của mình.

Phản hồi tốt từ người tiêu dùng

Chị Nguyễn Thị Hoài (nhân viên văn phòng tại Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên mua hàng tại siêu thị Big C mỗi dịp cuối tuần. Gần đây, chị mua mặt hàng khăn giấy lụa cao cấp mang thương hiệu Big C, thay vì các nhãn hàng khác phổ biến trên thị trường như Pulppy, My Lan, Toply. Chị Hoài cho biết, lí do chọn mua khăn giấy Big C là bởi mức giá rẻ hơn. Về chất lượng, tuy không quá đặc biệt nhưng ở mức “chấp nhận được”.

Các sản phẩm hàng tiêu dùng mang nhãn hiệu của siêu thị Big C.


Không riêng gì mặt hàng khăn giấy lụa, người tiêu dùng dễ dàng nhìn thấy rất nhiều sản phẩm tiêu dùng thường ngày được gắn nhãn hiệu của chính siêu thị, từ vật dụng hằng ngày như kem đánh răng, sữa tắm, bàn chải, dây buộc tóc, nước rửa bát… cho đến các loại thực phẩm như thịt xông khói, thịt đông lạnh, sữa chua uống...

Do được lợi thế “chủ nhà”, không phải chịu nhiều loại thuế, phí nên các sản phẩm này thường có giá thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại khác. Chúng được các nhà cung cấp và siêu thị hợp tác sản xuất. Các nhà cung cấp này chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ trong nước hoặc các đối tác nước ngoài từ Thái Lan, Trung Quốc… Khi được hỏi, một nhân viên bán hàng tại siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Siêu thị có rất nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng, do siêu thị mua, đặt hàng, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất. Chất lượng và nguồn gốc đều đảm bảo”.

Cùng với Big C, siêu thị Metro cũng có nhiều nhãn hàng riêng như: Fine Food, Fine Dreaming, Horeca Select, Sigma, H-Line... thuộc các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, thiết bị văn phòng, hóa mỹ phẩm… Trước xu thế này, các siêu thị trong nước như Co.opmart, Fivimart, Hapro… cũng bắt đầu xây dựng những nhãn hàng riêng cho sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho biết: “Xây dựng nhãn hàng riêng là một trong những chiến lược phát triển của Co.op Mart. Hiện tại, các nhãn hàng riêng mới chỉ chiếm 3% tổng hàng hóa của siêu thị”.

Còn nhiều triển vọng

Trao đổi với Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, nhãn hàng riêng của siêu thị là xu thế chung của thế giới và đã xuất hiện từ lâu. Ở Việt Nam, các công ty như Big C, Metro, Hapro… đã bắt đầu làm mấy năm nay và mới chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, khoảng vài trăm mặt hàng, chủ yếu là các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Nhờ nhãn hàng riêng, giá thành sản phẩm giảm được mấy phần trăm so với cùng loại sản phẩm, người tiêu dùng được hưởng lợi.

“Thực ra, đây là một lối thoát của liên kết sản xuất - phân phối, giải quyết tốt vấn đề sản xuất – phân phối cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng mặt trái của nó, các siêu thị nên tìm các mặt hàng khác với mặt hàng truyền thống của các nhà cung cấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà sản xuất, nhà cung ứng. Về phía các nhà cung ứng cũng cần có những ‘chiêu’ riêng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nếu không sẽ thua cả hàng của siêu thị”, ông Phú lưu ý.

Ông Phú cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng nên quan tâm đến chất lượng của các nhãn hàng riêng của siêu thị bởi không loại trừ khả năng siêu thị có các “chiêu trò”. Chẳng hạn, một lọ nước rửa bát có thể bị sản xuất loãng hơn một chút so với sản phẩm cùng loại. Người tiêu dùng khó phân biệt nhưng khi sử dụng sẽ phát hiện ra chất lượng kém hơn và không mua nữa.

Đồng tình với điều này, bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng lưu ý, người tiêu dùng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. “Các sản phẩm nhãn hàng riêng luôn được bày bán ở vị trí trung tâm, được treo những biển quảng cáo bắt mắt, mức giá rẻ hơn từ 20 -30%, lại được khuyến mãi nên người tiêu dùng rất dễ bị thu hút. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số nhãn hàng của siêu thị đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều dấu hiệu mập mờ về ngày đóng gói và hạn sử dụng”, bà Loan cho hay.

Theo bà Loan, nhãn hàng riêng tuy có giá thấp nhưng nếu siêu thị làm ăn “đứng đắn”, bán được số lượng lớn thì sẽ thu lợi nhuận nhanh và cao hơn. Doanh nghiệp phải làm đến cùng, có trách nhiệm và quan tâm đến chất lượng thì mới giữ được người tiêu dùng.


Hoàng Dương -Thu Hồng
Hà Nội: Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng
Hà Nội: Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng

Cơ sở của Hà Hải Đăng nhập hàng hóa của Trung Quốc, về thay bằng nhãn mác Triumph, Wacoal xuất xứ Việt Nam và Thái Lan nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN