Siết quản lý cồn công nghiệp, methanol trong chế biến rượu

Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh vào công tác quản lý đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol.

Nhằm khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung sau:

Nhân viên y tế lấy mẫu rượu để xét nghiệm methanol tại một nhà hàng kinh doanh ăn uống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng 14/3. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Cục Hóa chất
: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu; đầu mối chủ trì xây dựng chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương với UBND Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về quản lý hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, thực thi pháp luật về quản lý hóa chất, phân công làm rõ vai trò, nhiệm vụ của địa phương trong công tác hậu kiểm.

Cục Hóa chất chủ trì cùng các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cồn công nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về nhập khẩu, quản lý, sử dụng cồn công nghiệp, thực hiện trước 30/6/2017; phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan rà soát các quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hình thức kinh doanh hóa chất (bán buôn, bán lẻ) đặc biệt là ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp trên địa bàn, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động đối với các hộ kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp tại các khu vực trọng điểm như: chợ kim Biên (TP Hồ Chí Minh), khu vực Hàng Hòm, Hàng Buồm – Hà Nội.

Đối với Vụ Pháp chế: Chủ trì, phối hợp với Vụ Công nghiệp nhẹ, Thị trường trong nước, Khoa học và Công nghệ, Cục Hóa chất, Cục Quản lý thị trường rà soát cập nhật, bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất, đặc biệt là cồn công nghiệp; chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất và các đơn vị liên quan rà soát lại các quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hình thức kinh doanh hóa chất (bán buôn, bán lẻ) đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Bộ cũng giao trách nhiệm cho Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (bán buôn, bán lẻ…) hóa chất, đặc biệt là methanol, cồn công nghiệp, hương liệu và phụ gia thực phẩm. Chú trọng kiểm tra phát hiện các hành vi sử dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên địa bàn.


Về Tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục trưởng các Cục Hóa chất, Quản lý Thị trường; Vụ trưởng các Vụ Pháp chế, Khoa học và Công nghệ, Công nghệp nhẹ, Thị trường trong nước và giám đốc các Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ thị này và thực hiện chế độ báo cáo sau: Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo trước ngày 27 hàng tháng về kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc nếu có về Cục Hóa chất Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo.

Cục Quản lý Thị trường tổng hợp kết quả, các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và gửi Cục Hóa chất tổng hợp báo cáo. Vụ Pháp chế hoàn thiện báo cáo rà soát và kế hoạch cập nhật bổ sung văn bản pháp quy pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất gửi lãnh đạo Bộ trước ngày 20/4/2017. Cục Hóa chất tổng hợp báo cáo gửi lãnh đạo Bộ trước ngày 30 hằng tháng.

Từ Tết Nguyên đán đến nay đã có 15 người tử vong vì uống rượu nhiễm độc methanol. Dư luận lo lắng vì rượu sản xuất thủ công vẫn được bày bán tràn lan, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
15 người tử vong, quản lý rượu độc methanol vẫn bất khả thi?
15 người tử vong, quản lý rượu độc methanol vẫn bất khả thi?

Chưa bao giờ câu chuyện ngộ độc rượu chứa methanol lại nóng như hiện nay. Chỉ tính từ Tết Nguyên đán đến nay, 15 người đã tử vong vì uống rượu chứa loại độc tố này. Trong khi đó, việc quản lý rượu sản xuất thủ công còn nhiều bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN