Nguy kịch vì mù mắt, nhũn não, tử vongVụ việc uống rượu chứa methanol vượt ngưỡng hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần khiến cả chục người chết tại Phong Thổ, Lai Châu hồi đầu năm đã trở thành tiếng chuông báo động đối với việc sử dụng rượu thủ công hiện nay của người dân Việt Nam. Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc được Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận.
Các chuyên gia đề nghị xử lý nghiêm hành vi pha chế rượu methanol từ cồn công nghiệp. |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, con số 15 người chết do nhiễm độc rượu methanol chỉ là những gì chúng ta có thể nhìn thấy được. Còn nhiều trường hợp nhiễm độc methanol khác bị nhầm tưởng là say rượu thông thường, thậm chí nhầm lẫn là bị các chứng bệnh tai biến và thần kinh.
"Người nhiễm độc rượu chứa methanol thường có biểu hiện muộn, 12 - 48 tiếng sau khi uống nên nhiều người nhầm tưởng là say rượu thông thường. Khi đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn. Bệnh nhân bị mù mắt, nhũn não, khả năng tử vong cao. Người qua khỏi cũng để lại di chứng về thần kinh", bác sĩ Nguyên cho hay.
Chính vì khó nhận biết nên theo bác sĩ Nguyên, từ trước đến nay có thể có rất nhiều người nhiễm loại rượu methanol song không được phát hiện do bị nhầm lẫn với các triệu chứng thần kinh, tai biến mạch máu não...
Phải kiểm soát rượu 'quốc lủi', rượu nút lá chuối
Tại tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 23/3, các chuyên gia cho biết, hiện nay các cơ sở sản xuất rượu thủ công, nhỏ lẻ rất khó kiểm soát. Nhiều cơ sở vì tham lợi nhuận mà pha chế cồn công nghiệp, cồn y tế tạo ra rượu chứa methanol với tỷ lệ rất cao. Trong khi chỉ cần một lượng nhỏ methanol vào cơ thể người cũng có thể gây tử vong.
Theo TS Phạm Bích Diệp, ĐH Y Hà Nội, người thực hiện đề tài nghiên cứu "Thực hành nấu rượu và kiến thức cộng đồng tại Phú Thọ về ngộ độc methanol trong rượu", hiện nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công thiếu kiến thức, kĩ năng trong nấu rượu mà chủ yếu làm theo thói quen, kinh nghiệm.
Theo kết quả nghiên cứu thì hầu hết người dân nấu rượu không kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình chưng cất, dễ tạo ra độc tố trong rượu vì nhiệt độ quá cao hoặc nhiệt độ không đạt thì đều có khả năng sinh ra độc tố.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về thực phẩm, thông thường phương pháp nấu rượu thủ công truyền thống có thể sản sinh ra một lượng nhỏ methanol nhưng trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Nhưng nếu dùng cồn công nghiệp để pha chế thì thực sự đáng báo động.
"Nhiều nơi bán rượu thủ công với giá chỉ 12-15.000 đồng/lít, chỉ bằng giá tiền gạo. Không hiểu sao họ có thể làm rượu và bán với giá đó?", chuyên gia đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương), mặc dù các quy định pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ: Rượu phải được dán tem, có chứng nhận hợp quy, cơ sở sản xuất phải được kiểm nghiệm định kì 12 tháng/lần, rượu phải có dán nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần... nhưng trong thực tế, rượu sản xuất thủ công chiếm đến 70% thị trường lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Do đó, các chuyên gia đề nghị, phải kiểm soát thật chặt các cơ sở sản xuất thủ công, những loại rượu vẫn được quảng cáo là "rượu quốc lủi", "rượu nhà làm"... Có thể quy định các cơ sở sản xuất rượu thủ công phải đăng kí với ủy ban cấp xã phường.
TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, cần phải cấm sử dụng cồn công nghiệp và cồn y tế pha chế rượu. Người tiêu dùng chỉ sử dụng loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Về phía chính quyền phường xã phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Còn ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về buôn lậu và gian lận thương mại đề nghị cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để quản lý rượu sản xuất thủ công, thay vì đẩy hết trách nhiệm cho lực lượng quản lý thị trường. Theo đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không sử dụng rượu thủ công rẻ tiền, không rõ xuất xứ mà chỉ sử dụng rượu có nhãn hiệu, được quản lý bởi cơ quan chức năng.