Tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông trên nhiều nơi của cả nước làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tiêu cực đến hành lang an toàn đê điều, khiến nhiều nông dân mất đất sản xuất nông nghiệp và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Trước thực tế này, Cục Cảnh sát Đường thủy (Bộ Công an) đã phải triển khai kế hoạch số 527/KH-C68 huy động tổng lực các đơn vị công an đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, hoạt động khai thác cát, sỏi trên toàn quốc từ nay đến hết ngày 20/8/2011. Công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi cần phải được siết chặt trước khi quá muộn!
“Cát tặc” lộng hành
Theo điều tra Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội, các tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ dài tổng cộng 180 km chảy qua Hà Nội hiện có khoảng 50 điểm khai thác cát, sỏi không phép ngang nhiên hoạt động ngày đêm, hết công suất.
Đáng chú ý, tuyến sông Hồng dài 124 km, có khoảng 30 “điểm đen” là địa điểm mà chủ các tàu khai thác cát,sỏi trái phép đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ thường xuyên tập trung “bơm hút” nhiều nhất, vì khu vực này tập trung nhiều cát đen cho lợi nhuận cao. Tàu hút có trọng tải 600 tấn chỉ cần sục vòi rồng xuống nước hút khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là đầy tàu cát. Để đối phó với lực lượng chức năng, các tàu thường lợi dụng các thời điểm đêm tối hoặc khi không có lực lượng tuần tra để hoạt động. Thậm chí, các tàu khai thác trái phép khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng lao động trên tàu còn không có giấy tờ tùy thân, sẵn sàng đánh hỏng máy tàu, bỏ tàu, sau đó nhảy xuống sông bơi vào bờ, bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ.
Lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên tuyến sông Kinh Môn, đoạn ngã ba Tuần Mây (Hải Dương). Ảnh: Trần Tiến Duẩn - TTXVN |
Một thực tế làm nhức nhối dư luận từ lâu là dưới sông thì tàu hút cát hoạt động hết công suất, còn trên bờ thì cả hệ thống bến bãi kinh doanh vật liệu mọc lên khắp các bãi sông. Trong số khoảng 200 bến bãi không phép trên suốt chiều dài 3 tuyến sông chảy qua Hà Nội, nhiều “địa chỉ đen” hoạt động không phép đã được chỉ mặt đặt tên” trong danh sách của các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu vì sao chính quyền sở tại vẫn làm ngơ? Tại khu vực thượng và hạ lưu cầu Long Biên, mới thấy xót xa, bờ sông bị băm nát bởi những bến bãi chứa vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát. Hàng đoàn xe tải hạng nặng liên tục lên xuống bốc cát, kéo theo tình trạng bụi cát mù mịt. Cửa khẩu Nhật Tân thường xuyên có hàng chục xe chở cát nối đuôi nhau. Kiểu khai thác cát quá đà ở đây đã làm cho hai bên bờ sông và đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.
Trên tuyến sông Cà Lồ, đoạn chảy qua các xã Xuân Thu, Xuân Lai, Yên Phú (huyện Sóc Sơn), Võng La, Hải Bối (Đông Anh)..., tình trạng khai thác cát trái phép hiện cũng đang diễn ra ngang nhiên. Hàng ngày có tới hàng chục tàu khai thác cát trọng tải lớn nổ máy chạy rầm rầm, kéo theo các điểm tập kết trái phép mọc lên nhan nhản, chủ yếu từ 14-17 giờ hàng ngày. Nhiều người dân sinh sống ven sông đã nhiều lần phản ánh tới các cấp chính quyền địa phương về tình trạng lở đất, dòng chảy hai bên bờ sông thường xuyên xuất hiện xoáy sâu tại các khu vực có tàu hút cát, gây sói lở, nuốt trôi hàng trăm mét vuông diện tích đất canh tác/ngày đêm, nhưng không có hồi âm? Một chủ tàu khai thác còn khoe: Mỗi ngày, tàu hút được từ 2-3 chuyến, mỗi chuyến tối thiểu được 40 m3 cát, bán với giá 40.000 đồng/m3...
Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn là tình trạng chung tại nhiều địa phương trong cả nước. Ngã ba sông Công - sông Cầu, khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, nhất là đoạn chảy qua các huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang), cứ sau mỗi mùa mưa lũ, khối lượng cát sỏi tích tụ tại đây rất lớn. Nơi đây trở thành điểm tập kết để “cát tặc” nhắm vào. Tình trạng khai thác tận thu tại khu vực này đã làm biến đổi luồng lạch chạy tàu và gây sói lở bờ, làm xô lệch hệ thống báo hiệu hướng dẫn giao thông đường thủy, khiến cho đơn vị quản lý đường thủy liên tục phải chỉnh sửa hoặc gia cố chân cột. Mặt khác, các phương tiện khai thác cát luôn cặp đôi, cặp ba trên luồng chạy tàu khiến cho các phương tiện vận tải đi lại hết sức khó khăn và kéo theo đó là nguy cơ gây va chạm giao thông luôn rình rập.
Trên sông Phó Đáy chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đến mức báo động tại nhiều điểm cũng đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, chất lượng đê điều, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, sạt lở đê bờ, phá vỡ quy hoạch, gây nhiều bức xúc cho nhân dân địa phương. Hàng ngày trên tuyến sống này có hàng chục “vòi rồng” “dã chiến” từ các tàu hút cát thả xuống sông, hút lên hàng trăm m3 cát, khiến nhiều đoạn sông đục sánh, nổi bọt trắng xóa trôi về cuối nguồn, kéo theo số lượng lớn máy xúc, máy ủi, đào bới hai bên sông làm điểm tập kết, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn nghiêm trọng. Hệ thống các sông Ngàn Phố, sông Đồng Nai... chảy qua nhiều địa phương trong cả nước đang hàng ngày trở thành những công trường của “cát tặc”. Sự lộng hành của chúng như một lời thách đố pháp luật và các cơ quan chức năng.
Siết chặt quản lý trước khi quá muộn
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các xã Xuân Thu, Xuân Lai, Võng La, Hải Bối... đều thừa nhận: Chính quyền xã đã thường xuyên tuyên truyền đến những hộ khai thác cát trên địa bàn, thậm chí xử phạt hành chính, nhưng được vài ngày, tình trạng khai thác cát lại tiếp diễn. Cái khó của chính quyền xã là không đủ thẩm quyền để tịch thu những phương tiện của các chủ bến cát. Thêm vào đó, khi các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát vào ban ngày, thì các tàu hút cát chuyển sang khai thác vào đêm khuya đến lúc gần sáng, thậm chí sẵn sàng dùng gậy, dao, kiếm, chống lại lực lượng kiểm tra. Do đối phó với các đối tượng ngông cuồng trên tàu hút cát, đôi khi lực lượng kiểm tra cũng nản.
Mặc dù đã có những thời điểm nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông lắng xuống khi các cơ quan chức năng kiểm tra ráo riết, nhưng việc kiểm tra do không thường xuyên, nên tình trạng xử lý thực tế chỉ như”bắt cóc bỏ đĩa”. Số bến bãi trái phép không đếm xuể và cách khai thác kiểu tận thu ngang nhiên như hiện nay cho thấy nạn “cát tặc” luôn trong tình trạng báo động. Dẫu biết, việc bắt “cát tặc” không phải là dễ khi lực lượng và trang bị đều mỏng, nhưng sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các lực lượng nếu đồng bộ, quyết tâm thì việc giải quyết nạn “cát tặc” cũng không khó.
Theo kế hoạch số 527/KH-C68 của Cục Cảnh sát Đường thủy (Bộ Công an), các đối tượng thuộc diện kiểm tra bao gồm các doanh nghiệp, chủ bến bãi; thiết bị xếp dỡ, phương tiện, người điều khiển và làm việc trên phương tiện thủy khai thác cát, sỏi; các đối tượng tổ chức khai thác cát sỏi trái phép. Nội dung kiểm tra là việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trật tự ATGT đường thủy nội địa, môi trường, đê điều, an ninh trật tự... Sau đợt cao điểm kiểm tra, Cục Cảnh sát Đường thủy sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, trình các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý. Có thể thấy, trước “cát tặc”, chính quyền sở tại nhiều địa phương dường như bất lực, trong khi hệ thống pháp luật có đầy đủ chế tài để xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng không thể làm ngơ.