Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng nghị định nhằm tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tính thống nhất trong việc quản lý kinh tế trang trại.
Qua đó tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các trang trại để tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển theo đúng quy định của pháp luật như: đất đai, xây dựng, tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật và các hoạt động phi nông nghiệp.
Nghị định sẽ tạo điều kiện cho trang trại phát triển và đầu tư mở rộng quy mô, từng bước phát triển gắn với mục tiêu sản xuất qui mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung; tạo tiền đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn; góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đồng thời, thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái.
Nghị định sẽ thu hút và huy động nguồn lực tài chính trong dân, tạo điều kiện cho các cá nhân có vốn, có trình độ chuyên môn mạnh dạn đầu tư hình thành trang trại để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần giảm bớt áp lực do thiếu việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Thúc đẩy việc đầu tư vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất của các trang trại.
Nghị định sẽ quy định về phân loại kinh tế trang trại, tiêu chí xác định kinh tế trang trại; quy định lập, thẩm định dự án và quản lý kinh tế trang trại; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại…
Hiện cả nước có 19.667 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó có 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.267 trang trại nuôi trồng thủy sản, 03 trang trại sản xuất muối, 1.930 trang trại tổng hợp. Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 61,8%), tiếp đến là trồng trọt (22%).
Các trang trại cung cấp một số lượng lớn giá trị sản phẩm nông nghiệp cho thị trường và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế quốc dân. Kinh tế trang trại đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là ở các vùng Trung du, miền núi và ven biển; cải thiện môi trường sinh thái.
Phát triển kinh tế trang trại góp phần tăng tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, đồng thời thu hút được nguồn lực tài chính trong dân; tạo điều kiện cho các cá nhân có vốn, có trình độ chuyên môn mạnh dạn đầu tư hình thành trang trại để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần giảm bớt áp lực do thiếu việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Mô hình phát triển kinh tế trang trại đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, không có quy hoạch bài bản, quy mô sản xuất (đất đai, lao động và doanh thu) của trang trại nhìn chung còn nhỏ, sản phẩm không đa dạng, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chất lượng lao động trong các trang trại còn thấp, việc tiếp cận và triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn; phần lớn chủ trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý nên lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Đa số các trang trại sản xuất chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống nên chất lượng sản phẩm hàng hoá nhìn chung chưa cao và không ổn định. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa được chú trọng do trang trại chủ yếu quy mô nhỏ, một số phân bố ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn dẫn đến sử dụng nhiều lao động thủ công, dẫn đến hiệu quả thấp
Các trang trại sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm sản xuất để tạo nên vùng sản xuất tập trung, có sản lượng hàng hóa lớn. Việc liên kết của trang trại với doanh nghiệp còn hạn chế, vẫn rời rạc ở một số khâu, chưa thực hiện được liên kết theo chuỗi giá trị.