SBIC sẽ trả nợ của Vinashin

Ông Nguyễn Ngọc Sự (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã trả lời phỏng vấn sau quyết định thay đổi mô hình hoạt động của Vinashin.


* Xin ông cho biết mô hình hoạt động của Tổng công ty sau khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chấm dứt hoạt động?


Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi sẽ chấm dứt hoạt động của Vinashin sau khi Tổng công ty đăng kí kinh doanh xong. Tổng công ty mới sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có công ty mẹ và 8 công ty con; chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu.

 

Nhiệm vụ chính của chúng tôi chuyên sâu vào đóng mới và sửa chữa tàu trong nước và quốc tế. Các hoạt động khác sẽ tạm thời không phát triển trong thời gian ngắn. Sau này, khi Tổng công ty phát triển lên, nhu cầu đòi hỏi thì các công nghiệp phụ trợ cần thiết cho ngành đóng tàu mới được xem xét đến.

 

Thi công các tổng đoạn của tàu 53.000 tấn tại Công ty đóng tàu Hạ Long (Vinashin).


* Xin ông có thể nói rõ hơn về việc Chính phủ đã bảo lãnh khoản nợ cho Vinashin thông qua việc phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế? Ý nghĩa của việc làm này?


Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải thì SBIC sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Vinashin trước đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục các công việc đang còn dở dang của Vinashin. Về nợ, đến nay phần lớn đã xử lí xong. Hiện tại chỉ còn gói nợ trong nước khoảng hơn 10.000 tỷ đồng chúng tôi đang xử lí tiếp. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay và đầu năm sau.


Theo đề án tái cơ cấu Vinashin mà Chính phủ đã phê duyệt, phần vay của Chính phủ sẽ được khoanh lại trong 10 năm không tính lãi, khoảng 1 tỷ đôla. Khoản 600 triệu đôla Mỹ vay của các chủ nợ nước ngoài thì chúng tôi đã phát hành trái phiếu mới thông qua Công ty mua bán nợ (DATC) để tái cơ cấu khoản nợ này với thời hạn 12 năm, lãi suất 1% năm và trả nợ vào cuối kì. Các khoản nợ trong nước đang thực hiện theo hướng thông qua DATC để phát hành trái phiếu với mệnh giá chỉ còn 30% giá gốc. Toàn bộ lãi xóa đi và thời hạn 10 năm. Do đó, sau khi tái cơ cấu xong thì toàn bộ phần nợ của Vinashin trước đây mà SBIC tiếp quản sẽ được lui lại 10 - 12 năm sau mới phải trả nợ.


Khoản 600 triệu USD vay của các chủ nợ nước ngoài là khoản then chốt trong tất cả các khoản nợ của Vinashin vì nó liên quan đến rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, các quỹ đầu tư. Khoản này sẽ phải xử lí dứt điểm sớm. Sự bảo lãnh của Chính phủ đã giúp cho khoản nợ của Vinashin được chậm lại 12 năm. Việc phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ hết sức có ý nghĩa không chỉ với Vinashin mà với cả nền kinh tế vì theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, nếu khoản nợ này không được xử lí tốt sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chứ không riêng gì Vinashin. Đồng thời, với sự bảo lãnh này, Vinashin tạm thời không phải lo trả nợ trước mắt. Từ nay, chúng tôi sẽ thành lập quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ vào năm thứ 12 trở đi.


Sự bảo lãnh của Chính phủ thể hiện sự quan trọng của ngành đóng tàu Việt Nam để đáp ứng công nghiệp hàng hải và chiến lược biển Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước. Sự bảo lãnh giúp chúng tôi có thể ổn định và phát triển trong tương lai, giữ được ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển khi thị trường phục hồi.


Hệ số tín nhiệm của Việt Nam có thể tăng lên sau khi Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu mới này, các ngân hàng đầu tư khi cho vay vốn ở Việt Nam sẽ có độ tin tưởng cao hơn.


Sau khi tái cơ cấu nợ xong, nhiệm vụ chính của chúng tôi là làm thế nào để người lao động có việc làm vì hiện nay thị trường còn khó khăn, các chủ tàu rất hạn chế đóng mới. Do đó, chúng tôi phải tăng cường tìm kiếm đối tác, hợp tác nước ngoài để mở rộng thị trường thông qua các đối tác.


Về nguyên tắc, tất cả các khoản nợ của Vinashin sau khi tái cơ cấu thì SBIC phải có trách nhiệm trả. Nguồn thu được trích từ việc tái cơ cấu các doanh nghiệp còn lại (bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đưa vào quỹ tích lũy trả nợ). Mặt khác, chúng tôi tăng cường sản xuất kinh doanh để có nguồn khấu hao, nguồn lợi nhuận đưa vào quỹ tích lũy trả nợ. Chúng tôi đang rất tích cực tìm kiếm các sản phẩm, tàu nội địa cho ngư dân, các doanh nghiệp trong nước. Vừa rồi chúng tôi đã có thỏa thuận với một tập đoàn đóng tàu lớn của Hà Lan để mở rộng quan hệ. Ngoài ra, chúng tôi đang bàn với đối tác Hàn Quốc để xây dựng một số cơ sở đóng tàu tại miền Trung.

 

* Việc giải quyết chính sách cho người lao động được thực hiện thế nào, thưa ông?


Giải quyết chế độ cho những người không có việc làm đang là vấn đề rất lớn đối với chúng tôi. Tổng công ty mới ra đời chỉ giữ lại khoảng 8.000 – 10.000 người. Như vậy có khoảng 10.000 người không có việc làm. Làm sao có kinh phí để giải quyết chế độ cho họ tìm việc mới? Đến nay Chính phủ đã có những quyết định hỗ trợ, cho phép chúng tôi sử dụng những quỹ hiện có để giải quyết ngay chế độ chính sách cho một số đối tượng lao động cỡ khoảng 8.000 người để giải quyết khó khăn trước mắt.


* Xin trân trọng cảm ơn ông!



Duy Hưng - Lưu Thoan (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN