Chỉ số tăng trưởng thấp
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số IIP tăng 6,64%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 (tăng 6%). Đây cũng là mức tăng lũy kế cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tháng sau tăng cao hơn tháng trước cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn giữ được sản xuất ổn định.
Nếu phân theo nhóm, trong 5 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,63% so với cùng kỳ; 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 5,96%... Tuy nhiên, trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu thì sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Lý giải nguyên nhân, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong sự dịch chuyển cơ sở chế biến về các tỉnh, thành khác, một số doanh nghiệp lớn đã và đang có xu hướng đầu tư nhà máy, phân xưởng sản xuất sản phẩm qua địa phương lân cận - nơi có lợi thế về giá thuê đất, chính sách kích cầu đầu tư... Điển hình như Công ty cổ phần Uniben, Công ty TNHH Một thành viên Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam… Điều này dẫn đến chỉ số sản xuất của ngành sản xuất chế biến lượng thực, thực phẩm giảm.
Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành sản xuất chế biến lượng thực, thực phẩm đang tăng cao với mức tăng 56,3%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp là tăng 53,31%. Mặc dù việc tăng giá điện, giá xăng thời gian qua chưa tác động đến mức doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm quy mô sản xuất nhưng cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Một số doanh nghiệp cho rằng, chỉ số sản xuất của ngành chế biến lượng thực, thực phẩm giảm xuất phát từ nguyên nhân thu mua nguyên liệu, nguồn hàng không ổn định. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng, đầu vào (như điện, nguyên liệu, xăng dầu, lương,...) đã tăng nên doanh nghiệp phải cân đối tăng giá thành sản phẩm. Trong khi đó, sức mua trên thị trường tăng không cao so với cùng kỳ. Nếu doanh thu lương thực, thực phẩm 5 tháng của năm 2018 tăng 13% thì 5 tháng năm 2019 chỉ tăng 10,9% so cùng kỳ nên giá bán sản phẩm không tăng mà lượng hàng tồn kho cao.
Thách thức tạo đầu ra
Để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Sở tiếp tục tham mưu UBND Thành phố các giải pháp; trong đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề tổ chức cho doanh nghiệp gặp gỡ chính quyền thành phố, các cơ quan quản lý như thuế, hải quan, ngân hàng... để chia sẻ và tìm giải pháp tạo đầu ra cho ngành sản xuất chế biến lượng thực, thực phẩm.
Dự kiến, trong tháng 10/2019, Sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (MM Mega Market) tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Sự kiện này, sẽ tập trung hỗ trợ sản phẩm chủ lực của thành phố; trong đó có thực phẩm chế biến được thị trường Thái Lan ưa chuộng. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp và tìm kiếm các đối tác tiềm năng.
Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh còn có thể nắm bắt cơ hội xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng và sức mua của khách hàng; đồng thời, từng bước nắm bắt nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại Thái Lan; xây dựng tiền đề, phương hướng, chiến lược phát triển thị trường hàng Việt Nam tại Thái Lan.
Liên quan đến vấn đề dịch tả lợn châu Phi đang tác động nhiều đến thị trường tiêu dùng và tâm lý của người dân, làm cho sản lượng tiêu thụ và giá lợn giảm, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực tăng cường giải pháp cân đối cung - cầu mặt hàng này. Hiện chương trình bình ổn thị trường với nguồn cung ứng thịt gia súc (thịt lợn) của các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2018 – Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đạt 4.091 tấn. Tp. Hồ Chí Minh đã vận động doanh nghiệp, hệ thống phân phối, thương nhân chợ đầu mối tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo đầu ra cho mặt hàng này.
Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp khuyến khích tăng đàn đối với trang trại tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, LIFSAP, không nhiễm bệnh và có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp liên ngành, nhất là Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện cung cấp thông tin chính xác tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa mặt hàng thịt lợn... và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 5/2019 của thành phố đạt 91.326 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 17,8% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019 hoạt động này đạt 463.527 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ. Thị trường bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục được đảm bảo ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Nhiều nhà bán lẻ có xu hướng tạo điều kiện cho những doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng. Từ đó, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 239 chợ, 205 siêu thị, 46 Trung tâm Thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế với số lượng điểm bán đạt 151 trong tổng số 205 siêu thị (tỷ trọng 73,6%), các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao (trên 67%).
Đặc biệt, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung luôn giữ được ở mức cao đang tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước. Điều này, cũng góp phần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là kích cầu phát triển ngành sản xuất chế biến lương thực thực phẩm trong thời gian tới.